Hôm 30.12, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bỏ phiếu phế truất "Tổng thống lâm thời" Juan Guaido và giải tán chính phủ của ông.

Phe đối lập Venezuela phế truất 'Tổng thống lâm thời' Guaido

Hoàng Vũ (theo Reuters) | 31/12/2022, 14:05

Hôm 30.12, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bỏ phiếu phế truất "Tổng thống lâm thời" Juan Guaido và giải tán chính phủ của ông.

Quốc hội đối lập Venezuela sau đó đã bổ nhiệm một ủy ban quản lý tài sản nước ngoài, khi các nhà lập pháp tìm kiếm một mặt trận thống nhất trước cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào năm 2024.

Ông Guaido là thủ lĩnh phe đối lập cứng rắn ở Venezuela. Hồi tháng 1.2019, ông Guaido tuyên bố thành lập "chính phủ lâm thời" và được hơn 50 quốc gia, trong đó có Mỹ, công nhận là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sau cuộc bầu cử gây tranh cãi với chiến thắng thuộc về Tổng thống Nicolas Maduro.

guaido.png
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại Caracas, Venezuela hôm 6.12 - Ảnh: Reuters

Nhưng Tổng thống Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát gần như tất cả các cơ quan lớn của Venezuela, bao gồm cả lực lượng an ninh. "Chính phủ lâm thời" của ông Guaido hiện chỉ kiểm soát một số tài sản nước ngoài và điều hành nhiều đại sứ quán.

Ba trong số bốn nhóm đối lập lớn - Công lý trên hết, Hành động Dân chủ và Kỷ nguyên mới - ủng hộ dự luật lật đổ ông Guaido và thành lập ủy ban gồm 5 thành viên để quản lý tài sản nước ngoài, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Citgo có trụ sở tại Mỹ, một công ty con của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA.

Những người ủng hộ nói rằng việc kiểm soát tài sản nước ngoài của phe đối lập không gặp rủi ro và việc giải tán là cần thiết để đạt được sự thống nhất trước cuộc bầu cử. "Đã có các công cụ để bảo vệ tài sản ở Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha”, nhà lập pháp đối lập Juan Miguel Matheus cho biết.

Cả điều khoản loại bỏ "chính phủ lâm thời" và điều khoản thành lập ủy ban tài sản đều được thông qua với 72 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 8 phiếu trắng.

Tuy vậy, ông Guaido đã không ủng hộ nỗ lực này, kêu gọi các nhà lập pháp không giải tán "chính phủ lâm thời". "Hủy bỏ điều này là nhảy xuống vực thẳm", Guaido nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu. "Nó đang phá hủy những gì có thể được duy trì", ông nói thêm.

Các đảng đối lập hy vọng Washington sẽ gia hạn giấy phép bảo vệ Citgo khỏi các vụ tịch thu nợ có thể xảy ra khi giấy phép hết hạn vào tháng 1. Venezuela nợ các chủ nợ hơn 60 tỉ USD.

Về phần mình, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ phe đối lập, quốc hội và "chính phủ lâm thời" bất kể hình thức nào, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết hôm 30.12.

Được biết, Juan Gerardo Guaido, 39 tuổi, là một kỹ sư và chính trị gia người Venezuela đã giữ chức Chủ tịch Quốc hội Venezuela từ tháng 1.2019. Ông hiện là thành viên của đảng Ý nguyện Nhân dân dân chủ xã hội.

Theo Hiến pháp Venezuela, Chủ tịch quốc hội được làm Tổng thống lâm thời khi không có Tổng thống. Ngày 23.1.2019, trong một cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang, sau khi không công nhận kết quả bầu cử 2018, Quốc hội Venezuela đã thống nhất để ông Juan Guaido giữ vị trí "Tổng thống lâm thời".

Tổ chức các nước châu Mỹ và nhiều chính phủ, bao gồm các nước Argentina, Brazil, Canada, Colombia, Ecuador, Peru, Anh và Mỹ ngay lập tức công nhận "chính quyền lâm thời" Juan Guaido.

Tuy nhiên, Tòa án công lý tối cao Venezuela, các nước Mexico, Cuba và Nga lại bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống đương nhiệm Maduro. Hiện tại ở Mỹ Latinh, ngoài Cuba và Nicaragua, không một chính phủ nào ủng hộ cho ông Maduro. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển công nhận ông Guaido là "Tổng thống lâm thời" Venezuela và kêu gọi Venezuela nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới "tự do và công bằng".

Bài liên quan
'Cú sốc chính trị' tại Venezuela: Mỹ chính thức công nhận ứng cử viên đối lập là tổng thống đắc cử
Trong một động thái quan trọng, chính phủ Mỹ đã chính thức công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên đối lập của Venezuela, là "tổng thống đắc cử" của quốc gia Nam Mỹ này vào ngày 21.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phe đối lập Venezuela phế truất 'Tổng thống lâm thời' Guaido