Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng tên lửa S-300 rơi xuống trên lãnh thổ Belarus có thể là động thái của Nga nhằm kéo Minsk vào cuộc chiến.
Belarus đã triệu tập đại sứ Ukraine hôm 29.12 sau khi Minsk cho biết họ đã bắn hạ một tên lửa Ukraine bay lạc qua biên giới. Trong khi đó, Kyiv cho biết họ nghi ngờ Nga tạo ra một "hành động khiêu khích có chủ ý" trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.
Theo Bộ Quốc phòng Belarus, một tên lửa phòng không S-300 đã bị bắn hạ trên làng Gorbakha ở vùng Brest phía bắc Ukraine. Các mảnh vỡ được tìm thấy trong một cánh đồng nông nghiệp gần làng. “Mảnh vỡ thuộc về tên lửa dẫn đường phòng không S-300 được phóng từ lãnh thổ Ukraine”, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết.
Bộ Ngoại giao Belarus cũng yêu cầu Ukraine tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các tình huống xung quanh vụ phóng tên lửa, kêu gọi đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý, cũng như đưa ra các biện pháp ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.
“Điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho tất cả mọi người,” Anatoly Glaz, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố hôm 29.12.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, đã được thông báo "ngay lập tức" về vụ việc, trong khi các nhà điều tra và quân nhân được cử đến hiện trường, theo The Moscow Times. Không có báo cáo về trường hợp tử vong hoặc thương tích tại thời điểm này.
Oleg Konovalov, ủy viên quân sự của vùng Brest, đã đảm bảo với người dân địa phương trong một video do hãng thông tấn BelTA của Belarus đăng tải rằng họ "hoàn toàn không có gì phải lo lắng”.
Có thông tin cho rằng tên lửa S-300 đã vô tình rơi xuống lãnh thổ Belarus giống như cách mà một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống thành viên NATO là Ba Lan vào tháng 11, làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang cuộc chiến ngoài biên giới Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng tên lửa S-300, hệ thống phòng thủ có từ thời Liên Xô, nhưng với các mục đích khác nhau, theo Reuters. Ukraine sử dụng hệ thống phòng thủ này để đánh chặn các tên lửa của Nga đang bay tới, trong khi Moscow dường như sử dụng nó để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Báo cáo về tên lửa được đưa ra trong bối cảnh Nga cùng ngày tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Ukraine, với 69 tên lửa được bắn đi. Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn hạ thành công 54 tên lửa.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ukraine không xác nhận cũng như phủ nhận các báo cáo của Belarus, nhưng cho biết họ nghi ngờ có "hành động khiêu khích" của Moscow.
"Ukraine nhận thức được những nỗ lực bền bỉ của Điện Kremlin nhằm lôi kéo Belarus vào cuộc chiến. Do đó, phía Ukraine không loại trừ khả năng đó là hành động khiêu khích có chủ ý từ phía Nga khi nước này đã đặt đường bay như vậy cho các tên lửa hành trình của mình để kích động sự đánh chặn trong không phận bên trên lãnh thổ Belarus", Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 29.12 nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Kyiv đã chuẩn bị để tiến hành một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra. “Ukraine sẵn sàng mời các chuyên gia có thẩm quyền từ các quốc gia trung lập tham gia vào cuộc điều tra”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thêm.
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, Belarus đã cung cấp lãnh thổ và căn cứ quân sự của mình để Nga sử dụng trong các cuộc tấn công vào Ukraine.
Trong một cuộc họp của Hội đồng quốc phòng Belarus vào tháng 10, nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko được cho là đã thừa nhận đất nước của ông đã tham gia vào cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng người Belarus không tàn sát bất cứ ai ở đó.
“Trước hết, chúng tôi tham gia để ngăn chặn sự lan rộng của cuộc xung đột này sang lãnh thổ Belarus. Thứ hai, để ngăn chặn một cuộc tấn công vào Belarus dưới chiêu bài hoạt động quân sự đặc biệt của Ba Lan, Lithuania và Latvia. Sẽ không ai bắn sau lưng người Nga từ Belarus. Đây là sự tham gia của chúng tôi”, ông Lukashenko nói.
Các chuyên gia, bao gồm cả từ nhóm chuyên gia cố vấn Viện Nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng rất khó có khả năng Belarus có thể tấn công Ukraine trong tương lai gần. Quân đội Belarus cho đến nay vẫn chưa tham gia trực tiếp vào Ukraine, mặc dù đã có các cuộc tập trận chung với lực lượng Nga.
Tổng thống Lukashenko đã tập trung vào sự sẵn sàng quân sự của Belarus khi gần đây ông gặp người đồng cấp Nga Putin ở Minsk để thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh. Nhà lãnh đạo Belarus cho biết nước ông sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Nga.
“Chúng tôi đang tiến hành tập trận trên lãnh thổ của mình. Chúng tôi đang chuyển cả nhóm liên quân vũ trang và lực lượng vũ trang của chúng tôi đến nơi mà chúng tôi thấy phù hợp. Không có kế hoạch nào khác, không có thuyết âm mưu nào ở đây cả”, ông Lukashenko nói.