Câu chuyện nóng nhất đang dậy sóng trên khắp cả nước những ngày qua liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt trên một vùng biển trải rộng từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có vẻ như đã có đáp án sau cùng, dù không đúng như mọi người chờ đợi.
Câu trả lời chính thức trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc gần 20 giờ ngày 27.4 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân đưa ra về nguyên nhân cá chết trên diện rộng tại vùng biển miền Trung những ngày qua có lẽ đã khiến hầu hết những người quan tâm đến vụ việc này thất vọng. Trái với chờ đợi của nhiều người, đã không có một nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu nào liên quan đến thảm họa môi trường đang gây phẫn nộ trong xã hội được nêu ra. Hai nhóm nguyên nhân chủ đạo có thể là tác nhân chính gây ra hiện tượng này, theo ông Võ Tuấn Nhân, là do tác động của thiên nhiên vẫn thường được gọi là thủy triều đỏ, và thứ hai là do hoạt động của con người thông qua việc thải các chất độc hại xuống lòng đại dương. Câu trả lời chính thức cũng cho biết, không có bằng chứng trực tiếp cho thấy hoạt động xả nước thải ra biển của Formosa là nguyên nhân chủ yếu gây ra chết cá hàng loạt.
Câu trả lời chính thức này của Bộ Tài nguyên - Môi trường có lẽ sẽ không thể thỏa mãn được sự mong chờ của xã hội, khi nó chưa chỉ ra được nguyên nhân trực tiếp hàng đầu dẫn đến sự việc dù đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân chủ yếu; và quan trọng hơn là nó không đưa ra được giải pháp căn bản để xử lý tình trạng hiện tại. Cá chết thì vẫn chết, các vùng biển ở các tỉnh liên quan thì vẫn được cảnh báo là không an toàn, người dân không dám ăn cá cũng như không dám đi du lịch đến các vùng biển nói trên. Có thể về mặt khoa học lời lý giải này là có lý, khi hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện khá thường xuyên tại một số địa điểm rải rác khắp các vùng biển miền Trung từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, việc chưa làm rõ ảnh hưởng của việc xả thải ra biển của Formosa có lẽ mới là nguyên nhân khiến nhiều người trong xã hội chưa thỏa mãn với câu trả lời chính thức này, nhất là sau những phát ngôn tuy khó nghe nhưng lại hết sức thẳng thừng của người từng là đại diện của Formosa, ông Chu Xuân Phàm. Vì nếu như Formosa hoàn toàn tự tin về chất lượng và độ an toàn trong nước thải của mình ra biển, thì họ đã không đưa ra phát ngôn nổi tiếng “hoặc chọn nhà máy, hoặc chọn cá tôm”. Chỉ có những người hoàn toàn hiểu rõ rằng nước thải của họ đang gây ra những tác động xấu tới môi trường, thì mới nói ra những lời như vậy.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào câu chuyện, thì câu trả lời của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng không hẳn là thiếu sót. Nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung là được xem là do hiện tượng thủy triều đỏ, một hiện tượng chủ yếu do sự thay đổi về phía thiên nhiên, tuy nhiên câu trả lời chính thức cũng thừa nhận rằng, sự xả thải các chất độc hại từ phía con người ra biển là nguyên nhân khiến cường độ và mức độ thiệt hại của hiện tượng thủy triều đỏ tăng lên đáng kể. Nói cách khác, chất xả thải ra biển của Formosa nói riêng và các nhà máy/khu công nghiệp khác nói chung có thể không phải là nguyên nhân chính, nhưng nó đang làm trầm trọng hơn đáng kể những hậu quả nguy hiểm do thiên nhiên gây ra. Hiểu một cách đơn giản, sự xả thải các chất độc hại của Formosa nói riêng và các khu công nghiệp ven biển trên khắp cả nước nói chung có thể vừa là một trong những nguyên nhân trực tiếp lại vừa là nguyên nhân gián tiếp lớn nhất tạo ra tình trạng cá chết hàng loạt và làm các vùng biển miền Trung trở nên ô nhiễm.
Vì thế, có thể hiểu rằng với câu trả lời chính thức này, thì mọi biện pháp xử lý hậu quả tình trạng cá chết và các vùng biển bị ô nhiễm hiện nay sẽ chủ yếu được nhắm vào Formosa và các khu công nghiệp ven biển trên khắp cả nước. Vì thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên, và chúng ta không thể can thiệp để buộc nó chấm dứt, mà điều duy nhất Việt Nam có thể làm được là giảm thiểu các nguyên nhân có thể khiến mức độ gây hại của thủy triều đỏ gia tăng, và đó chính là việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải của Formosa nói riêng và các khu công nghiệp ven biển nói chung. Nói cách khác, dù không chỉ đích danh Formosa là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm, thì với câu trả lời chính thức về nguyên nhân vụ việc từ phía Bộ Tài nguyên - Môi trường, thì việc đưa Formosa và các khu công nghiệp ven biển vào diện kiểm soát chặt chẽ trong tương lai là việc gần như đã chắc chắn sẽ diễn ra.
Và nếu như Việt Nam thực sự sẽ xử lý vấn đề theo hướng đó trong tương lai gần, thì đó sẽ là điều đáng mừng, vì nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể và nghiêm ngặt về môi trường với các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam. Câu chuyện cá chết và nghi vấn liên quan đến Formosa lần này là một sự báo động không thể tốt hơn cho Việt Nam, dù có muộn màng, về những nguy cơ về môi trường nói riêng và các nguy cơ về kinh tế và công nghệ nói chung mà các dự án FDI được phê duyệt dễ dãi có thể đem lại. Nếu chỉ một nhà máy thép của Formosa mà có thể đầu độc cả vùng biển miền Trung thì đó là một bài học nhãn tiền dành cho các nhà quản lý, rằng Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ và bãi rác môi trường nếu cứ tiếp tục phê duyệt, ưu đãi các dự án FDI một cách dễ dãi tràn lan như hiện nay.
Và nếu như không có sự thay đổi triệt để, thì có lẽ trong tương lai sẽ không chỉ có một Chu Xuân Phàm thẳng thừng phát ngôn rằng “Hoặc chọn nhà máy, hoặc chọn cá tôm” đối với Việt Nam mà thôi đâu, dù sự lỡ miệng này đã khiến vị giám đốc đối ngoại của Formosa bị đuổi việc. Xét theo khía cạnh ý nghĩa về sự báo động cho Việt Nam thông qua lời tuyên bố trịch thượng đó, thì có lẽ chúng ta phải trao huy chương cho ông Chu Xuân Phàm mới đúng, mặc dù lời tuyên bố của ông này hơi nghịch nhĩ và khiến xã hội Việt Nam nổi giận.
Nhàn Đàm