Thông cáo báo chí nhà sản xuất gửi cho báo chí gọi Hy sinh đời trai (KB-ĐD: Lưu Huỳnh) là “phim hài ca nhạc”. Thế nhưng, nếu gọi cho sát sườn thì sản phẩm này chỉ giống như một tạp kĩ ca nhạc được quay MV (music video), rồi đem chiếu rạp.
Nhìn ở khía cạnh nghề nghiệp thì quả là sự trượt dài của Lưu Huỳnh, một đạo diễn nổi tiếng kĩ tính, cầu toàn về tính nghệ thuật, từng cho người xem nhiều hi vọng với Áo lụa Hà Đông (năm 2006).
Như một kịch bản phim ngắn
Phim kiếm hiệp thường có câu “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”, nhưng cũng chỉ 10 năm thôi, với Hy sinh đời trai, Lưu Huỳnh đã thực sự hy sinh đẳng cấp của mình để “ngồi chung xuồng” với nhiều phim hài nhảm xuất hiện thời gian qua.
Tại sao gọi Hy sinh đời trai là một MV? Đầu tiên là ở cách kể chuyện, nơi Linh (Tấn Beo thủ vai) và Xuân (ca sĩ Phi Nhung) mượn nhiều bài ca để thay thế lời thoại. Đôi chỗ cũng hợp lý, nhưng phần nhiều là gượng ép.
Trong phim, Linh là công tử nhà giàu, không phải đồng tính, nhưng rất sợ đàn bà. Cha mẹ Linh tìm mọi cách để con trai lấy được vợ, và cuối cùng cũng thành công. Chất liệu này hoàn toàn đủ để làm một phim hài chiếu rạp, nếu kịch bản đủ độ dày.
Việc đưa Hồ Ngọc Hà - người đóng vai khách mời rất nhỏ - lên poster là một cách câu khách... |
Một thách thức nữa là phim có quá nhiều diễn viên, “vua biết mặt” vào khoảng 30 người, đơn cử như Thương Tín, Hồ Ngọc Hà, Lý Hùng, NSƯT Việt Anh, Cát Phượng, Phi Phụng, Phước Sang, Hữu Thạch, Bình Minh, Thân Thúy Hà, Kiều Minh Tuấn, Đinh Y Nhung, Võ Thành Tâm… Mỗi người “tùng xẻo” vài mảng miếng, vài người còn hát vài đoạn, làm cho phim bị xé vụn, yếu tố tạp kĩ tự nhiên xuất hiện để trám vào. Lưu Huỳnh đã không điều phối được các tuyến phụ với tuyến chính.
Lưu Huỳnh từng làm đạo diễn cho chương trình Paris By Night, nhìn một khía cạnh nào đó, Hy sinh đời trai cũng giống như Paris By Night về chủ đề trốn chuyện lấy vợ. Tuy nhiên, trong phim lại có nhiều người hát dở, làm cho những người hát được như Phi Nhung, Hồ Ngọc Hà, Tấn Beo… bị “lệch pha”.
Khi ra rạp, phim này dễ ở tình trạng 50/50 với việc bán vé, nếu khán giả chỉ thích kiểu phim “tạp pín lù”, càng nhiều ngôi sao càng tốt, thì sẽ đi xem đông. Còn nếu tìm kiếm một phim hài ý vị, hoặc cười thoải mái, thì MV kiểu tạp kĩ này hơi khó để thu hút.
“Giải thiêng” Lưu Huỳnh
Phim Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh từng giành 5 giải Cánh diều vàng và giải Khán giả bình chọn tại LHP Pusan năm 2007. Bộ phim cũng được chọn tranh vào đề cử tham dự giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.
Mấy năm sau, Lưu Huỳnh có Huyền thoại bất tử, rồi Lấy chồng người ta, tuy không bề thế bằng Áo lụa Hà Đông, nhưng vẫn là diện mạo của một đạo diễn thích dòng phim giàu tính nghệ thuật.
Khi Hiệp sĩ mù ra mắt năm 2014, giới làm nghề và khán giả bất ngờ, dường như đạo diễn này đã nghiêng sang giải trí nhiều hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là lối rẽ nhỏ, có tính thời vụ, tính nghệ thuật vẫn là con đường chính.
Đến Hy sinh đời trai thì tình hình đã khác, nó như một đối nghịch với Áo lụa Hà Đông về hướng đi, hoàn toàn giải trí.
Hóa ra cơm áo là chuyện không thể đùa chơi, con đường để trở lại một Lưu Huỳnh giàu tính nghệ thuật của 10 năm trước e đã xa vời.