Đài CNN cho biết từ sau cuộc nổi loạn gây sốc tại Nga, phương Tây chuyển sự chú ý sang cả Belarus – quốc gia cho phép Wagner đồn trú đồng thời cho Moscow triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ.
Giới tình báo Mỹ và châu Âu đều chưa ghi nhận được dấu hiệu rõ ràng nào. Họ đang giám sát chặt chẽ một căn cứ quân sự nằm gần thủ đô Minsk của Belarus vừa được xây dựng, nghi là để cho Wagner đồn trú, nhưng tập đoàn quân sự tư nhân này dường như chưa chuyển quân sang. Thậm chí Tổng thống Alexander Lukashenko ngày 6.7 còn tuyên bố chưa chắc người đứng đầu của nó là Yevgeny Prigozhin cùng lính Wagner quyết định ở lại Belarus.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố số cơ sở quân sự Belarus cất giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ sẵn sàng vào ngày 7.7.
Hình ảnh vệ tinh chưa phát hiện dấu hiệu chuẩn bị hay tăng cường an ninh ở cơ sở quân sự. Không rõ Nga triển khai bao nhiêu vũ khí.
Chuyên gia Max Bergmann (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế) nhận xét: “Chúng ta đang chìm trong mơ hồ. Chúng ta không biết Nga có hành động gì. Nga không cần phải đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus mới có thể sử dụng chúng, nhưng Mỹ lo ngại viễn cảnh cả vũ khí hạt nhân chiến thuật lẫn Wagner đều hiện diện tại Belarus”.
Nga kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Belarus như thế nào?
CNN cho biết Mỹ tin rằng Tổng thống Putin sẽ ngăn Wagner và cả người đồng cấp Lukashenko tiếp cận vũ khí hạt nhân Nga.
Lâu nay đơn vị kiểm soát vũ khí hạt nhân là Tổng cục 12 Bộ Quốc phòng Nga. Theo CNN, một quan chức tổng cục đã sang Belarus vào mùa xuân năm nay.
Tuy vậy, mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Lukashenko với Tổng thống Putin cũng như việc đóng góp giúp dập tắt cuộc nổi loạn đầy bất ngờ của nhà lãnh đạo Belarus buộc giới tình báo phương Tây phải cảnh giác với diễn biến sắp tới. Đây cũng sẽ là chủ đề thảo luận chính khi NATO nhóm họp tại Lithuania vào tuần sau.
Theo nhà nghiên cứu Angela Stent (Đại học Georgetown): “Động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus khá mới. Chúng ta chưa hiểu ý định phía sau là gì, vì vậy Ba Lan lo lắng có lý. Đây là một phần của chính sách “bên miệng hố hạt nhân” mà Nga thi hành ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine”.
Wagner tại Belarus
Ngày 7.7, chính quyền Belarus cho truyền thông nước ngoài, trong đó có CNN, tham quan căn cứ bị đồn đoán xây cho Wagner đồn trú. Họ cho biết hoạt động xây dựng đã diễn ra trước vụ nổi loạn tại Nga xảy ra.
Theo tướng Belarus Leonid Kasinsky: “Hoàn toàn không có mối liên hệ nào giữa căn cứ này với Wagner. Hôm qua Tổng thống Lukashenko nói rằng nếu ông Prigozhin cùng các chỉ huy của mình quyết định ở lại Belarus thì căn cứ này cùng nhiều nơi khác có thể dành cho họ”.
Chưa rõ với việc mất nguồn tài chính lớn từ Điện Kremlin, Wagner có đủ sức duy trì hiện diện đáng kể tại Belarus hay không.
Tổng thống Lukashenko từng tuyên bố nếu chọn ở lại Belarus, Wagner phải ký hợp đồng với chính quyền sở tại, điều mà ông Prigozhin từng từ chối làm với Bộ Quốc phòng Nga khi ở Nga.