Cuối năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án "Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung".

Quýt hồng Lai Vung - Bài 2: Khôi phục 500ha quýt hồng liệu có dễ?

Văn Kim Khanh | 11/05/2023, 09:43

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án "Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung".

20230105_082200.jpg
Quýt hồng Lai Vung - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyên Lai Vung cho biết mục tiêu của đề án là đến năm 2024 khôi phục 546,63ha quýt hồng tại 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long. Đề án có kinh phí hơn 70 tỉ đồng, trong đó nhà nước đầu tư một nửa, còn lại do nhân dân. Đây là cơ sở là pháp lý để huyện Lai Vung canh tân lại vùng quýt hồng.

Theo UBND huyện Lai Vung, quýt hồng gắn bó với nông dân huyện Lai Vung đã gần 100 năm qua. Từ khoảng 2010 đến 2016, trên địa bàn huyện mỗi năm tăng bình quân gần 100ha quýt hồng, nâng tổng diện tích lên gần 1.000ha, với sản lượng bình quân khoảng hơn 30.000 tấn, mang lại giá trị gần kinh tế gần ngàn tỉ đồng hằng năm. Hiện diện tích quýt hồng cho trái chỉ còn hơn 200ha, sản lượng năm 2022 có khoảng 5.000 tấn, vì vậy việc khôi phục vườn cây quýt hồng ở Lai Vung là nhiệm vụ cấp bách.

quit-hong-lai-vung-trung-chanh.jpg
Vườn quýt hồng Lai Vung - Ảnh: Trung Chánh

Bên cạnh đó, đề án cũng nhằm bảo tồn vùng trồng quýt hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc dự án "Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung"; đồng thời bảo tồn nguồn gien cây quýt hồng bản địa, phục vụ việc nhân giống và duy trì sản xuất bền vững.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến cho biết hiện nay viện không có đủ cây quýt hồng đầu dòng để cung cấp cho Đồng Tháp. Tại Đồng Tháp, theo chúng tôi biết, Sở NN-PTNT đang có chương trình phát triển cây giống quýt hồng sạch bệnh cung ứng cho Lai Vung. Nông dân Lai Vung cũng có thể nhân giống bằng cách chiết cành, ghép mắt từ cây quýt hồng khỏe, sạch bệnh để làm cây giống. Ngoài việc có cây giống tốt, khâu làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cũng là những biện pháp quan trọng để phát triển cây quýt hồng ở Lai Vung.

quyt-hong.jpg
Chăm sóc vườn quýt hồng Lai Vung - Ảnh: Internet

Trong khuôn khổ của đề án khôi phục cây quýt hồng Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp, ngày 5.1.2023, UBND huyện Lai Vung phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về cây quýt hồng. Có thể nói đây là hội thảo rất quy mô, có sự tham dự của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Viện Cây ăn quả miền Nam, các chuyên gia từ Trường đại học Cần Thơ, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Khoa học - Công nghệ, đặc biệt là các nhà vườn trồng quýt hồng tại huyện Lai Vung.

vltr-02.jpg
Bệnh vàng lá thối rễ ở cây quýt hồng - Ảnh: Internet

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2019, Sở NN-PTNT đã phối hợp với địa phương triển khai các mô hình thí điểm biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây quýt hồng theo quy trình khuyến cáo của Trường đại học Cần Thơ. Hiện các mô hình đều cho kết quả tốt, phục hồi 80 - 90%.

Ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã tận dụng rơm và phân bò để tạo thành loại phân hữu cơ cho cây có múi. Ông Đầy cho biết: “Qua việc cải thiện đất, sử dụng phân hữu cơ, giảm phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, lên liếp đúng cách, làm rãnh thoát nước mưa tránh ngập úng, đến nay diện tích vườn đã được khôi phục đến 90%. Cây quýt hồng bắt đầu cho trái sung túc trở lại”. Ông Đầy lắng nghe hướng dẫn và khuyến cáo của các chuyên gia, đã sử dụng nhiều phân hữu cơ, tạo sự thông thoáng cho đất nên tiết kiệm hơn 40% chi phí sản xuất.

quyt-hong-lv-trung-chanh.jpg
Những vườn  quýt hồng canh tác theo hướng hữu cơ  - Ảnh: Trung Chánh

Có thể nói nếu nông dân có kiến thức về cây quýt hồng và lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học thì chắc chắn kết quả khả quan. Ông Trần Thanh Tâm (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp) cho biết, sau thời gian triển khai mô hình, đến nay nông dân đã biết cách sử dụng phân cân đối giữa hữu cơ và hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển tốt. Việc này cũng góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng phân bón theo tập quán cũ.

1672127479-vuon-quyt-hong-lai-vung-3.jpg
Nhiều vườn quýt hồng ở Lai Vung cũng là điểm du lịch miệt vườn - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, đề án khôi phục hơn 500ha quýt hồng đến năm 2024 có thể khó đạt. Còn mấy tháng nữa là đến năm 2024, dù huyện Lai Vung và các ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp cố gắng rất cao nhưng khó có thể đạt được bởi tình hình khách quan còn vô số khó khăn. Thời gian, công sức, đầu tư tiền bạc và cây giống, chưa nói dịch bệnh và thời tiết ngày càng khắc nghiệt với vùng trồng cây quýt hồng và ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Việc chú trọng nâng cao năng suất bằng cách lạm dụng phân hóa học chính là cái giá phải trả cho vùng trồng quýt hồng Lai Vung. Đó là hệ lụỵ khiến quýt hồng của chúng ta từ hàng ngàn hecta giảm xuống chỉ còn 200ha. Khôi phục quýt hồng cần phải có định hướng, bao gồm cả về vấn đề an toàn thực phẩm để không rơi vào vết xe cũ, vì phải mất ít nhất 10 năm để định hình lại loại cây trồng này".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quýt hồng Lai Vung - Bài 2: Khôi phục 500ha quýt hồng liệu có dễ?