“Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” là tập sách có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... viết về Sài Gòn những ngày đại dịch COVID-19.

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương

Tiểu Vũ | 30/12/2021, 17:40

“Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” là tập sách có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... viết về Sài Gòn những ngày đại dịch COVID-19.

Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Chưa có khi nào Sài Gòn im lìm như những tháng cao điểm dịch đại dịch COVID-19 vừa qua, và cũng chưa có khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.

Giờ đây, làn sóng kinh hoàng của đại dịch đã dần lắng xuống, thành phố bắt đầu có những dấu hiệu của sự hồi sinh. Nhịp sống trên từng góc phố, con hẻm trở nên sôi động trở lại, nhưng người Sài Gòn vẫn còn đó những ám ảnh về ngày tháng bị cách ly phong tỏa sau hàng rào kẽm gai, những con đường lối phố bịt bùng dây giăng và nhan nhản trạm kiểm soát. Và đau đớn khi cả chục nghìn người đã vĩnh viễn ra đi, hàng ngàn trẻ mồ côi, hàng chục ngàn gia đình lao đao kiệt quệ, cùng hàng triệu tổn thương không thể nào đong đếm được.

Nhưng Sài Gòn vẫn là Sài Gòn, sau khi đại dịch đi qua, thứ mà người ta nhớ đến nhiều nhất là tình người trong nguy nan hoạn nạn. Đó là những nghĩa cử cao đẹp giữa con người với con người, là sự hy sinh, lòng can đảm và tình yêu thương vô bờ bến của đồng bào cả nước hướng về thành phố trong những ngày người dân nơi đây phải đối diện với bao khó khăn chồng chất. Chính nghĩa cử đó đã làm cho người Sài Gòn thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch.

img_8482.jpg
Sách do NXB Trẻ ấn hành, tháng 12.2021 - Ảnh: T.V 

Tập sách Sài Gòn chọn nhớ những điều thương là ghi chép của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... ghi lại những diễn biến, cảm nhận của họ trong những ngày Sài Gòn tang thương bởi đại dịch. Tuy nhiên cuốn sách không chọn cách gợi bi thương mà như trang nhật ký về thành phố để người đọc cùng người Sài Gòn nắm tay nhau hướng đến tương lai.

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương là tập hợp những bài viết, những trải nghiệm sống động của chính người trong cuộc khi họ có mặt trong khắp thành phố, từ bệnh viện tuyến đầu đến các khu cách ly, các phố lớn hẻm nhỏ và mọi ngóc ngách của Sài Gòn trong đại dịch. Dù góc nhìn và câu chuyện của mỗi tác giả khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một thông điệp là nhìn lại quá khứ, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.

“Hơn 100 ngày qua sẽ là ký ức không thể nào phai mờ với những ai đã chứng kiến, đã đi qua. Những vết sẹo sẽ còn hằn rất sâu trong lòng chúng ta, dù nỗi bỏng rát sẽ dịu đi theo thời gian. Nhiều bài học lớn sẽ được rút ra từ đây. Và chúng ta sẽ mãi mãi yêu thương nhau, như đã từng, để cùng xây dựng một thế giới bình yên như nguyện ước.

Tập sách nhỏ này, được góp lời từ những người đã âm thầm nắm tay nhau đi qua đại dịch, xin được ghi lại đôi điều về một mùa hoa nở trong bão dữ như thế…” - Lời tựa của sách viết.

img_8490.jpg
Một trang trong cuốn sách - Ảnh: T.V 

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương cũng là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ được phát hành nhân dịp đón năm mới 2022. 100% lợi nhuận thu được từ bán sách sẽ góp vào Quỹ phòng chống COVID-19. Các tác giả có tác phẩm in trong sách cũng chỉ nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng hẳn nhuận bút của mình góp vào quỹ.

      Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở ranh giới địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác? Sài Gòn còn “sống” được bao lâu khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt “dưỡng khí” hàng chục ngày qua, dù người Sài Gòn luôn nhường nhịn chia sẻ cho nhau. Những đoàn người vẫn tiếp tục rời thành phố trở về quê nhà nơi miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc... vì gần hai tháng qua họ đã đuối sức lắm rồi”.

Nguyễn Thị Hậu (Nhà khảo cổ học)

      Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời. Có lần thử điền vào mớ từ mà lúc này mọi người đang truyền tay nhau, những chánh niệm, tỉnh thức nhưng bạn vội gạch đè, biết còn lâu mình mới đủ thấu hiểu chúng. Như vô thường vậy, bạn tưởng đã thông tỏ rồi, sao lại thất thần khi thấy khói lên từ nhà hỏa táng. Nắm tro chắc phải chờ người nhận vì thân quyến còn mắc kẹt sau những sợi dây giăng. Trắc ẩn thì cực hạn, nhưng bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt. Bạn nhận ra mớ từ vừa mất đi của mình bé mọn vô phương, ngoài kia nhiều người chỉ có đói, kiệt quệ, vô vọng, tang thương trong cái mùa hè thê lương này.

Nhiều từ được định nghĩa lại. Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ. Trong ngữ lưu tháng bảy, nếu ta nói hẹn cuối năm gặp nhau, người bạn sẽ hiểu rằng có thể tháng chạp năm sau. Hoặc chỉ là một kiểu giao đãi bâng quơ thuận miệng, cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra. Hạnh phúc, cái từ mà bạn ngờ vực nó không có thực, một khuya nghe tiếng xe cứu thương xé toang tịch mịch, bạn nghĩ thật may mình còn nghe được dư chấn của cơn chuột rút trên bó cơ đau. Sẽ có người đơn giản hơn, hạnh phúc là món trứng chiên có ít lá hành, là được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số. Cái đơn vị đo khoảng cách, mùa hè này, mất sạch độ chính xác. Có người đi cả tháng mới hết một chục ki lô mét đường, hoặc ở khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ta sẽ không bao giờ tới được”.

Nguyễn Ngọc Tư (nhà văn)

Bài liên quan
Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương