Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất nửa đầu năm nay.
Thị trường và chính sách

Sản phẩm cá tra Việt Nam khởi sắc ở Mỹ và Trung Quốc

Tuyết Nhung 25/07/2024 12:31

Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất nửa đầu năm nay.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 25.7 dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết, tháng 6.2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 172 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2023.

ca-tra.jpg
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vượt nửa chặng đường và hướng đến mục tiêu 1,8 tỉ USD năm 2024 - Ảnh: IT

Về cơ cấu sản phẩm, cá tra phi lê đông lạnh mã HS 0304 vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang các thị trường. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu sản phẩm này đạt 739 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ, chiếm 80% tỷ trọng. Xuất khẩu cá tra khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc, bong bóng cá tra... thuộc mã HS 03 (trừ mã HS 0304) trong nửa đầu năm nay đạt 162 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 18% tỷ trọng. Chiếm 2% tỷ trọng còn lại là các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (GTGT) mã HS 16, với trị giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 17 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong tháng 6. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang 2 nơi này đạt 56 triệu USD, tăng 16% so với tháng 6.2023. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây đạt hơn 258 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2 sau Trung Quốc nhập khẩu nhiều cá tra Việt Nam. Tháng giữa năm nay, Mỹ tiêu thụ 27 triệu USD cá tra, tăng 22% so với tháng 6.2023, trong khi giảm 9% so với tháng trước đó. Trị giá xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ dạng phi lê đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn như fish sticks hay fish burgers, cá tra Việt Nam đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu của thị trường này.

Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ Tài chính Mỹ (DOC) sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong nửa đầu năm 2024 với trị giá xuất khẩu đạt 128 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 25 triệu USD, tăng 21% so với tháng 6.2023.

Ngoài ra, một số thị trường đơn lẻ khác cũng ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, gồm: Brazil đạt 52 triệu USD, tăng 42%; Thái Lan 30 triệu USD, tăng 9%; Colombia 22 triệu USD, tăng 40%; Ả Rập Saudi 20 triệu USD, tăng 17%...

"Trải qua năm 2023 đầy khó khăn, nửa đầu năm nay, toàn ngành đã tập trung và tận dụng mọi cơ hội xuất khẩu đến các thị trường. Nửa cuối năm nay, dự đoán nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia bắt đầu có kế hoạch chuẩn bị cho các lễ hội, kỳ nghỉ. Giá xuất khẩu cá tra cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng dần. Năm 2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam dự kiến đạt 1,8 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023", đại diện VASEP nhận định.

Đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cho biết Trung Quốc là thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra của nhiều doanh nghiệp. Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thành công thêm nguồn khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu, Thượng Hải. Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến, việc tận dụng các phụ phẩm cá tra để tạo nên những sản phẩm giá trị cao cũng được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tận dụng triệt để. Theo đó, sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra hiện đang được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

"Do tập trung vào phân khúc mặt hàng giá trị gia tăng nên sản phẩm cá tra Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân thị trường này. Đặc biệt, sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra đang được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng", đại diện công ty Nam Việt cho hay.

Bài liên quan
Trung Quốc mở cửa, hàng xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng lớn
Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm COVID-19 đối với hàng nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm cá tra Việt Nam khởi sắc ở Mỹ và Trung Quốc