Các nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ liên tục đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong thời điểm nắng nóng dẫn đến nhiều người bị ngất. Trước tình trạng ấy, một số sản phẩm áo chống sốc nhiệt cho nhân viên y tế ra đời.

Sáng kiến áo chống sốc nhiệt ra đời giúp nhân viên y tế chống dịch

Lam Thanh | 08/06/2021, 14:39

Các nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ liên tục đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong thời điểm nắng nóng dẫn đến nhiều người bị ngất. Trước tình trạng ấy, một số sản phẩm áo chống sốc nhiệt cho nhân viên y tế ra đời.

Nhân viên y tế ngất do sốc nhiệt

Những ngày qua, trong thời tiết nắng nóng, các nhân viên y tế phải làm việc liên tục với điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt. Việc này dẫn đến một số nhân viên y tế bị ngất ngay trong quá trình làm việc do bị sốc nhiệt.

ao-3.jpg
Áo chống sốc nhiệt cho nhân viên y tế

Cụ thể, tại Bắc Giang, người bị ngất thuộc đoàn tình nguyện Hải Dương, là sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Hoặc ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh), trong khi đang lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm, 3 nhân viên y tế cũng ngất xỉu, nhiều người khác kiệt sức bởi mặc đồ bảo hộ liên tục 4-5 tiếng đồng hồ giữa trời nắng nóng...

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 1.6 cho biết các nhân viên y tế liên tục đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày, tuy nhiên do đây là thời điểm nắng nóng gay gắt nên nhiều nhân viên y tế trong quá trình tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã bị ngất.

ngat-xiu-1.png
Nhân viên y tế rất cực nhọc trong bộ quần áo bảo hộ

Theo đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), việc mặc trang phục phòng chống dịch khi làm việc có những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe.

Khảo sát của viện cho thấy có tới 91% thời gian trong tổng số thời gian mặc quần áo chống dịch có nhiệt độ bên trong bộ quần áo cao hơn nhiệt độ bên ngoài, độ chênh từ 0,5 – 4,5 độ C. Sự tăng nhiệt độ bên trong quần áo chống dịch so với bên ngoài làm tăng thêm gánh nặng nhiệt và gánh nặng thể lực khi làm việc của nhân viên y tế (tăng nhiệt độ da, dưới lưỡi, nhịp tim, huyết áp, mồ hôi).

Ngoài ra, đồ bảo hộ còn tạo cảm giác nóng và rất nóng, trạng thái cơ thể ở mức rất khó chịu và không thể chịu đựng nổi tăng dần theo giờ. Một số người thử nghiệm đã phải dừng thử nghiệm ở giờ thứ 4 do không thể chịu nổi.

Theo đó, viện khuyến nghị nhân viên y tế phải được huấn luyện cấp cứu khi bị say nắng; bộ đồ chống dịch cần được nghiên cứu cải thiện, thiết kế phù hợp, chất liệu an toàn như cải tiến các thiết bị quạt/mát nhỏ gọn, an toàn, cung cấp khí mát cho nhân viên y tế; bổ sung kịp thời nước, khoáng chất…

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã chế tạo ra thiết bị cấp khí sạch, làm mát để trang bị cho những người phải mang các bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt do nhiệt độ cao.

Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào phía trong đồ bảo hộ. Không khí này đã được lọc sạch qua hệ thống màng đặc biệt và cân bằng nhiệt độ, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm.

ngat-xiu-2.gif
Thiết bị cấp khí sạch cho nhân viên y tế

"Hiện tại viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất và mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lương đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch", PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường chia sẻ.

Áo làm mát chống sốc nhiệt

Một giải pháp khác, thượng úy Lê Thị Hòa (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện 198, Bộ Công an) đưa ra ý tưởng sản phẩm “Áo làm mát chống sốc nhiệt” cho nhân viên y tế khi mặc áo bảo hộ 3M chống COVID-19. Với nguyên liệu được làm bằng vải coton lưới, áo giúp cho quá trình khuếch tán nhiệt giữa cơ thể với không khí bên trong khung áo được dễ dàng hơn.

ao.jpg
Thượng úy Lê Thị Hòa và sản phẩm áo chống sốc nhiệt cho nhân viên y tế

Thượng úy Lê Thị Hòa cho biết loại áo này được thiết kế đơn giản gồm thân áo lưới ba lỗ, chất liệu thoáng mát. Phần thân áo được may 4 túi đá khô, các túi đá có trọng lượng 500gr được bọc bởi một lớp xốp cách nhiệt có độ dày 1cm để tránh đá lạnh tiếp xúc trực tiếp lên da người và được đặt trong túi zip để chống nước.

Áo lưới có chi phí rẻ, chỉ từ 50.000đ nên có thể sản xuất số lượng lớn phục vụ cho các cán bộ nhân viên y tế chống dịch. Áo chống sốc nhiệt có hiệu quả tốt trong thời gian 6-8 tiếng, đủ một ca làm việc cho các y bác sĩ.

Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền (Bộ Công an) trực tiếp trải nghiệm áo chống sốc nhiệt và cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát, bác sĩ, nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều người bị sốc nhiệt, kiệt sức. Do đó, chỉ sau vài ngày từ khâu lên ý tưởng thiết kế áo chống sốc nhiệt và thử nghiệm sản phẩm, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo khẩn trương nghiệm thu để nhanh chóng đưa vào sản xuất, cấp phát cho các cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch ở các tỉnh, đặc biệt là Bắc Giang và Bắc Ninh.

ao-2.jpg

Ngay sau khi báo cáo đề tài và được lãnh đạo bệnh viện thông qua, các cán bộ y tế Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã thu xếp phòng họp thành xưởng may dã chiến ngay trong đêm.

Được biết các bác sĩ đã dành phòng họp làm nơi may, thực hiện các khâu, các bước của sản phẩm. Các y bác sĩ trở thành thợ may, thiết kế, nhà ai có máy móc, thiết bị dùng được thì đều mang đến để thực hiện sản phẩm một cách nhanh nhất. Các y bác sĩ, nhân viên trong khoa vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa tranh thủ cắt may, thậm chí ở lại tới tối muộn để có thể thực hiện nhiều sản phẩm nhất có thể.

“Chính các bác sĩ trở thành người thợ may, mong muốn đem đến các đồng nghiệp sản phẩm một cách nhanh nhất. Ngay trong chiều 3.6, Bệnh viện Y học cổ truyền đã gửi chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang hơn 60 chiếc áo chống sốc nhiệt cùng nhiều loại thuốc để hỗ trợ phòng chống dịch”, ông Tuyến nói.

Thượng úy Lê Thị Hòa cho biết các nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ kín mít với chất liệu polymer có thể dễ dẫn đến sốc nhiệt, do cơ thể mất hoàn toàn các cơ chế thải nhiệt chính như bức xạ, đối lưu hay bay hơi...

Việc sử dụng áo chống sốc nhiệt sẽ làm nhiệt độ bên trong luôn dễ chịu, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thời tiết quá nóng. Tuy nhiên nên lưu ý sử dụng đúng lượng đá khô đã khuyến cáo, không sử dụng quá nhiều khiến việc cử động khó khăn và cũng tránh bỏng lạnh.

Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến rất mong được lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế nghiệm thu, bảo hộ sản phẩm và kêu gọi doanh nghiệp đưa vào sản xuất đại trà, cấp phát kịp thời đến các bệnh viện và sử dụng rộng rãi sản phẩm này đến các lực lượng khác như công an, quân đội, bảo vệ và công nhân lao động trên mọi lĩnh vực.

ao-3.jpg
Túi đá khô giúp làm mát cơ thể cho nhân viên y tế

Ông Tuyến cho rằng với giá thành rẻ, dễ dàng sản xuất, đá khô là sản phẩm rất sẵn ở các cơ sở y tế, việc đưa áo vào sử dụng trong thời gian ngắn là hoàn toàn khả thi, đáp ứng được nhu cầu phòng dịch trong những đợt nắng nóng kéo dài.

“Nếu như các giải pháp như sử dụng quạt gió, quạt lưu thông bên trong áo… còn đang gây tranh cãi về khả năng phòng chống vi rút xâm nhập thì sản phẩm áo chống sốc nhiệt đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế, bởi bên ngoài lớp áo lưới ba lỗ vẫn là bộ đồ bảo hộ thông dụng mà ngành y tế đang sử dụng. Đây có thể coi là sản phẩm sáng tạo đáp ứng nhu cầu cần kíp tại những nơi điểm nóng dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh”, thiếu tướng Phạm Bá Tuyến cho biết.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng kiến áo chống sốc nhiệt ra đời giúp nhân viên y tế chống dịch