Ngược với tự chủ, bị kiểm soát nghĩa là hành động vì phải chịu áp lực, thay vì hành động đúng theo cái tôi của bản thân. Lúc này, cái tôi đã bị kiểm soát và khuất phục.

Sao ta làm điều ta làm - Gây áp lực bằng phần thưởng có phải là cách tốt nhất để giúp trẻ?

H.V | 08/02/2023, 10:27

Ngược với tự chủ, bị kiểm soát nghĩa là hành động vì phải chịu áp lực, thay vì hành động đúng theo cái tôi của bản thân. Lúc này, cái tôi đã bị kiểm soát và khuất phục.

Dạy con bằng phần thưởng lợi bất cập hại

Vài tháng sau khi khóa học violin bắt đầu, giáo viên giới thiệu một phương pháp mới để thúc đẩy học sinh luyện tập nhiều hơn. Học sinh sẽ được một ngôi sao khi tập đủ một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, và khi tích đủ sao, các em sẽ nhận được một “báu vật”.

Việc phân chia khoảng thời gian cụ thể, cùng với lời hứa tặng phần thưởng nếu làm theo, dường như đã khiến cho cô bé Lisa 6 tuổi thấy dễ dàng hơn. Sau khi tập xong trong một thời gian cụ thể, cô bé có thể ngừng và thấy rằng mình đã luyện tập đủ rồi. Nhưng có một điều khác lạ bắt đầu xảy ra trong những buổi tập; Lisa cứ nhìn đồng hồ. Cô bé không còn say mê với chiếc đàn nữa mà quan tâm đến việc hoàn thành các buổi tập hơn.

Vào một ngày Chủ nhật nọ, Lisa nhắc đi nhắc lại với cha mẹ rằng cô bé bắt buộc phải tập đàn, nhưng dường như cũng ít tỏ vẻ hào hứng hơn so với dạo gần đây. Lisa đùa giỡn nhiều hơn là nghiêm túc luyện tập. Cô bé tùy tiện đàn những phần vu vơ và chỉ muốn chơi những phần dễ dàng. Tuy nhiên, mẹ động viên Lisa rằng phải kiên trì. Vì thế, Lisa đã thử chơi một bài mới, đàn sai, rồi cô bé bắt đầu khóc.

Cuối cùng Lisa cũng tiết lộ rằng nếu không tập thì cô bé sẽ không nhận được ngôi sao, và nếu không nhận được ngôi sao này thì các bạn sẽ lấy được báu vật còn Lisa thì không. Cường độ áp lực mà đứa trẻ sáu tuổi này tự đặt ra cho bản thân mình khi giáo viên sử dụng một “sự khích lệ” thật đáng kinh ngạc.

sao-ta-lam-dieu-ta-lam-2.jpg

Tuy nhiên, sau khi cha cô bé nói rằng bất kể nó là gì đi nữa, nếu giáo viên dạy đàn không phát “báu vật” cho Lisa thì ông sẽ mua một cái cho cô bé, khiến Lisa sửng sốt: “Ý cha là con không cần phải tập cũng có được báu vật đó ạ?”. “Đúng, con có thể có nó dù có tập hay không?”. Sự căng thẳng đã được trút bỏ rất nhiều và việc luyện tập của cô bé cũng trở nên dễ dàng hơn. Rốt cuộc thì cô bé cũng có thể chơi đàn thật vui.

Những người tán thành việc sử dụng phần thưởng để thúc đẩy trẻ em thường kể những chuyện giống như nửa đầu của câu chuyện trên - treo thưởng để giúp bọn trẻ tập đàn, làm việc nhà, hoàn thành bài tập về nhà hay bất cứ điều gì khác. Thế nhưng rõ ràng các phần thưởng thường mang lại những hệ quả tiêu cực, mà những người ủng hộ nó thường không sẵn sàng thừa nhận.

Người ta nói rằng họ không cố gắng ép con vào khuôn khổ, rằng họ đơn giản chỉ đang thể hiện sự khen ngợi, dạy dỗ con bằng cách nêu gương, hay đang cho bọn trẻ thứ gì đó mà chúng thật sự muốn hay cần. Nhưng nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, ta thường sẽ thấy rằng thật ra, người lớn đang dùng những phần thưởng đó để gây áp lực lên con trẻ, kể cả khi điều mà họ đang ép con làm có thể là những gì tốt nhất cho trẻ. Câu hỏi đích thực mà tất cả những điều này đặt ra là liệu gây áp lực bằng phần thưởng với trẻ em để chúng làm gì đó tốt cho bản thân chúng có phải là cách tốt nhất để đạt được mục đích mong muốn hay không.

Tất nhiên, vấn đề về áp lực và sự kiểm soát vượt xa tác dụng của phần thưởng. Một điều quan trọng trong nghiên cứu của Ryan về việc trao thưởng theo hai cách khác nhau - một cách nhấn mạnh áp lực và sự kiểm soát, cách còn lại thì không - là nó cho thấy nhiều sự kiện hay biến cố khác được cho là làm xói mòn động lực nội tại có thể đã không lâm vào tình trạng đó nếu chúng ta sử dụng chúng một cách thận trọng hơn. Tất cả những nghiên cứu mà Ryan và Edward L. Deci thực hiện đều chỉ ra rằng sự tự thúc đẩy, thay vì động lực thúc đẩy từ bên ngoài, mới là trung tâm của sự sáng tạo, trách nhiệm, hành vi lành mạnh và thay đổi lâu dài.

Kiểm soát hay không kiểm soát?

Sau những kết quả đắt giá đúc kết được từ nghiên cứu về phần thưởng của Ryan, Edward L. Deci cùng Johnmarshall Reeve, quyết định tìm hiểu chính vấn đề đó ở phương diện cạnh tranh. Về căn bản, họ để cho một đội chiến thắng cuộc thi sau khi bị ép phải thắng và một đội khác thắng cuộc thi mà không bị gây thêm sức ép.

Thú vị là kết quả cũng giống như vậy. Khi hướng các thành viên trong đội đến với cuộc thi bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh bại đối thủ, thì sự cạnh tranh hoàn toàn bất lợi cho động lực nội tại của họ. Nhưng khi không gây thêm áp lực, mà chỉ đơn giản động viên họ nỗ lực hết sức và cố gắng hoàn thành trước, thì sự cạnh tranh đã không gây hại.

Việc ép buộc người ta phải thắng, một chuyện dường như quá hiển nhiên trong những tình huống có tính cạnh tranh, có khả năng tạo ra tác động tiêu cực, ngay cả với người chiến thắng. Và dĩ nhiên, đối với người bại trận thì tác động đó còn tồi tệ hơn nhiều.

Dựa vào những gì đúc kết được từ nghiên cứu các phong cách trao thưởng khác nhau, Ryan quyết định khám phá câu hỏi rằng liệu các giới hạn và sự tự chủ có thể tồn tại đồng thời hay không. Ryan đã hợp tác với Richard Koestner (hiện là giáo sư tại Đại học McGill ở Montreal) và xác định một môi trường kinh điển đòi hỏi cả giới hạn và sự tự chủ sáng tạo: mỹ thuật ở trẻ em.

sao-ta-lam-dieu-ta-lam-quote-2.jpg

Ý tưởng nghiên cứu được đề ra là cho những đứa trẻ (năm và sáu tuổi) tham gia một nhiệm vụ sáng tạo, nhưng tiềm tàng sự hỗn loạn, là cùng vẽ một bức tranh. Những giới hạn liên quan đến sự ngăn nắp được đưa ra theo hai cách khác nhau - một cách mang tính kiểm soát như truyền thống, cách còn lại khuyến khích tự chủ và không kiểm soát.

Cách kiểm soát khá đơn giản: sử dụng ngôn từ ép buộc (“Hãy là một đứa trẻ ngoan và giữ cho dụng cụ gọn gàng vào nhé” hay “Làm việc cần làm thôi và đừng có trộn lẫn lộn màu với nhau”). Còn cách khuyến khích tự chủ, bao gồm giảm thiểu áp lực bằng cách tránh những ngôn từ mang tính kiểm soát và cho phép lựa chọn càng nhiều càng tốt. Thật đáng khích lệ, kết quả thu được rất ấn tượng.

Việc đặt ra giới hạn là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy trách nhiệm, và những phát hiện của nghiên cứu này là nhân tố chính cho cách thực hiện điều đó. Khi đặt ra giới hạn theo hướng khuyến khích sự tự chủ - hay nói cách khác, khi xem bản thân bạn ngang hàng với người bị giới hạn, công nhận rằng người đó là một đối tượng chủ động, thay vì một mục tiêu để thao túng hay kiểm soát - ta sẽ có thể khuyến khích tinh thần trách nhiệm mà không hủy hoại chân nguyên của người đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao ta làm điều ta làm - Gây áp lực bằng phần thưởng có phải là cách tốt nhất để giúp trẻ?