Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Hoài Nam cho biết TP.HCM vừa được phân bổ thêm 54.990 liều vắc xin Pfizer - BioNTech tại buổi họp báo cung cấp thông tin về COVID-19 chiều 12.7.

Sau 1,1 triệu liều vắc xin Moderna và AstraZeneca, TP.HCM được cấp thêm gần 55.000 liều Pfizer

Nhân Hoàng | 12/07/2021, 18:46

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Hoài Nam cho biết TP.HCM vừa được phân bổ thêm 54.990 liều vắc xin Pfizer - BioNTech tại buổi họp báo cung cấp thông tin về COVID-19 chiều 12.7.

Ngoài ra, TP.HCM sắp tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin Moderna từ nguồn tài trợ của Mỹ theo cơ chế COVAX và 100.000 liều AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) từ nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản.

Ông Nguyễn Hoài Nam nói trong đợt tiêm vắc xin sắp tới, TP.HCM ưu tiên cao nhất cho nhóm người mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi. Thứ hai là người nghèo, nằm trong nhóm chính sách xã hội. Thứ ba là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiện ích, dược, vật tư, chăm sóc sức khỏe...

Một số công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP.HCM cũng phải được ưu tiên.

Với số lượng dự kiến nhận được là hơn 1,1 triệu liều vắc xin Moderna, AstraZeneca và Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức), TP.HCM tiến hành tiêm trong vòng 2 - 3 tuần.

viet-nam-nhan-lo-vac-xin-pfizer-dau-tien-vao-77.jpg
Tương tự Moderna, vắc xin dùng công nghệ mRNA của Pfizer được đánh giá cao

Được phát triển với đối tác BioNTech SE (Đức), vắc xin của Pfizer cho thấy hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong một thử nghiệm lâm sàng mà các công ty đã thực hiện vào năm ngoái.

Một nghiên cứu của Public Health England (Tổ chức Y tế Công cộng Anh) cho thấy vắc xin Pfizer - BioNTech có hiệu quả 88% với bệnh COVID-19 có triệu chứng từ biến thể Delta từ Ấn Độ hai tuần sau tiêm liều thứ hai. Vắc xin này có hiệu quả đến 93% với chủng Alpha, biến thể thống trị của Anh.

Đây là loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào ngày 11.12.2020. Giống sản phẩm của Moderna, vắc xin này sử dụng công nghệ mRNA cải tiến để đưa vào cơ thể protein đột biến trên bề mặt của SARS-CoV-2.

Trong khi hai liều vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại bệnh COVID-19 từ biến thể Delta là 60%, so với 66% với biến thể Alpha, theo Public Health England.

Trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, TP.HCM sẽ tận dụng thời gian “vàng” để tiến hành triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 song song cùng với hoạt động xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

TP.HCM dự kiến sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện. Mỗi quận, huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác.

TP.HCM dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm chủng, tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm/1 ngày. Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra trong các khung giờ 8 giờ - 13 giờ và 15 giờ – 20 giờ hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.

Qua 4 đợt, tổng số lượt người ở TP.HCM đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 tiêm mũi 1 và 41.862 đã tiêm 2 mũi.

Đồng ý đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V

Ngày 12.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Nghị quyết về mua vắc xin Sputnik V của Nga. Vắc xin này được Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 23.3.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế về việc có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T và Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều Sputnik V bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động. Kinh phí này không sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vắc xin, Thủ tướng đồng ý với đề xuất ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thoả thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vắc xin BNT162 của Pfizer và vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC).

Việc thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vắc xin, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vắc xin nêu trên theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục ngoại giao có liên quan; Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vận chuyển vaccine theo đề nghị của Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, địa phương tiện liên quan phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Bài liên quan
Tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Một mũi vắc xin Pfizer được tiêm 4 tuần sau khi chích AstraZeneca sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch tốt hơn so với việc tiêm thêm một liều AstraZeneca khác, nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 1,1 triệu liều vắc xin Moderna và AstraZeneca, TP.HCM được cấp thêm gần 55.000 liều Pfizer