Chính phủ Thái Lan đang đàm phán với Merck & Co (Mỹ) để mua 200.000 viên thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 thử nghiệm của nhà sản xuất dược phẩm này để điều trị COVID-19.
Nhiều quốc gia, lãnh thổ châu Á đang tranh giành nguồn cung cấp liệu pháp điều trị tiềm năng sớm sau khi tụt hậu so với các nước phương Tây trong việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19, do nguồn cung khan hiếm.
Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia cho biết đang đàm phán để mua thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 mang tên molnupiravir, phương pháp điều trị tiềm năng của Merck & Co. Đang tiến hành thử nghiệm molnupiravir, Philippines hy vọng nghiên cứu trong nước của họ sẽ cho phép tiếp cận phương pháp điều trị này.
Tất cả đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán mua bán.
Somsak Akksilp, Tổng giám đốc Bộ Dịch vụ Y tế Thái Lan, nói với Reuters rằng nước này đang làm việc trên một thỏa thuận mua molnupiravir.
Molnupiravir, được thiết kế để đưa các lỗi vào mã di truyền của vi rút, sẽ là loại thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 đường uống đầu tiên điều trị COVID-19.
Các thử nghiệm lâm sàng tạm thời cho thấy molnupiravir có thể làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
"Chúng tôi đang làm việc trên một thỏa thuận mua bán với Merck & Co dự kiến sẽ hoàn thành vào tuần này. Chúng tôi đã đặt trước 200.000 viên", Somsak Akksilp nói.
Ông Somsak Akksilp cho biết những viên thuốc này có thể đến tay khách hàng sớm nhất là vào tháng 12, dù thỏa thuận này sẽ phải được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng cơ quan quản lý Thái Lan phê duyệt.
Không thể liên lạc các đại diện tại văn phòng của Merck & Co của Thái Lan.
Các ca mắc COVID-19 được xác nhận hàng ngày ở Thái Lan đã giảm xuống dưới 10.000 vào 4.10, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 7. Tính đến nay, Thái Lan đã tiêm được 55,5 triệu liều vắc xin COVID-19, tiêm đầy đủ cho khoảng 31% dân số.
Merck & Co dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm 2021. Hãng dược phẩm này có hợp đồng với chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 triệu liệu trình molnupiravir với giá 700 USD mỗi liệu trình.
Merck & Co lập kế hoạch cách tiếp cận định giá theo từng cấp độ dựa trên tiêu chí thu nhập của quốc gia.
Tại Philippines, Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire đã phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai rằng: "Chúng tôi thấy rằng có thể tiếp cận nhiều hơn với loại thuốc này vì chúng tôi có đối tác thử nghiệm lâm sàng".
Hôm 2.10, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết nước này đang đàm phán để mua molnupiravir.
Bộ trưởng Y tế Malaysia - Khairy Jamaluddin cho biết trong một tweet rằng ông đã bắt đầu đàm phán để mua molnupiravir, đề cập đến một câu chuyện rằng thuốc viên của Merck & Co có thể giảm 50% nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng nhất.
Ông Khairy Jamaluddin nói: “Khi chuyển sang sống chung với COVID-19, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các lựa chọn điều trị mới, sáng tạo vào kho vũ khí của mình ngoài vắc xin”.
Merck & Co và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đang có kế hoạch xin phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho molnupiravir càng sớm càng tốt và để nộp các đơn theo quy định trên toàn cầu.