Hiện nay, việc thiếu các quy định về cách xác định như thế nào là "Hàng hóa của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc phân xử các vụ việc.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Sẽ có quy định để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Tuyết Nhung 17/08/2024 14:41

Hiện nay, việc thiếu các quy định về cách xác định như thế nào là "Hàng hóa của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc phân xử các vụ việc.

Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định về cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo đó, Nghị định nhằm quy định hàng hóa được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí như: hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa...

Nghị định quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản sẽ không được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

hang-hoa.jpg
Việc thiếu vắng các quy định, văn bản quy phạm pháp luật đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xác định thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam - Ảnh: IT

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do, hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất trong nước (cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu sau đó lưu thông trong nước) chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam". Việc này gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng cơ quan chức năng không có căn cứ để phân xử.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số trường hợp điển hình doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước:

Công ty thực hiện lắp ráp một số mặt hàng điện tử với linh kiện nhập khẩu từ ngước ngoài và/hoặc mua trong nước với tỷ lệ là 90%. Trong đó, đối với sản phẩm tivi, công ty thực hiện thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, hiệu chỉnh phần mềm, xây dựng ứng dụng cho sản phẩm, sau đó mua linh kiện từ nhà cung cấp hoặc nhập khẩu để lắp ráp tại Việt Nam. Với quy trình sản xuất như vậy, khi các sản phẩm được bán, tiêu thụ và bảo hành tại thị trường Việt Nam thì công ty cần ghi xuất xứ trên sản phẩm như thế nào?

Công ty thực hiện nhập khẩu màng lọc RO, là linh kiện trong sản phẩm máy lọc nước RO của công ty, từ Mỹ và tiến hành đóng gói, tạo sản phẩm hoàn chỉnh tại nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm được bán tại thị trường Việt Nam có cấu thành như sau: Màng lọc RO nhập khẩu (86,3%), vỏ màng bọc nhập khẩu (12,2%), còn lại là chi phí sản xuất tại Việt Nam (nhân công, máy móc, đóng gói...). Với tỷ lệ cấu thành như trên của màng lọc RO thì công ty sẽ thông tin xuất xứ Mỹ hay Việt Nam trên bao bì và tem nhãn sản phẩm khi sản phẩm được bán tại thị trường Việt Nam?

Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em để bán tại thị trường Việt Nam. Công đoạn cắt, may đầu tiên được thực hiện tại Trung Quốc, sau đó nhập khẩu về Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Việt Nam thực hiện tiếp các công đoạn may, khâu, đính nhãn, nhồi bông, lộn bề mặt sản phẩm, khâu phần móc....

"Với những công đoạn thực hiện ở Việt Nam như vậy thì sản phẩm đồ chơi của công ty có thể được xác định và gắn nhãn Made in Viet Nam không? Nếu không đáp ứng để được gắn nhãn Made in Viet Nam thì công đoạn nào trong quy trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện tại Việt Nam? Tỷ lệ giá trị nội địa của sản phẩm đạt trên 30% thì có được ghi nhãn Made in Viet Nam không?", Bộ Công Thương cho hay.

Trường hợp điển hình như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khai Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Made in Viet Nam. Hay như Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo nhập khẩu các linh kiện điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp, sau đó đưa ra thị trường Việt Nam với nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn Made in Viet Nam rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ. Mặc dù nhãn Made in Viet Nam không có giá trị thay thế cho chứng từ chứng nhận xuất xứ, nhưng việc ghi nhãn như vậy có thể gây hiểu nhầm hoặc nhận biết sai về hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa của Việt Nam.

Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.

Bài liên quan
10 tiêu chí để truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1.6.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
18 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ có quy định để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam