Mấy ngày qua, dư luận tỉnh Cà Mau sôi sục bởi một số cơ quan báo chí, truyền hình đưa tin sai sự thật về mật ong U Minh.
Cụ thể, ngay sáng 11.8, một số báo và đài truyền hình, trong đó có TTXVN và VTV1, loan đi thông tin: “85% mật ong được bày bán ra thị trường của tỉnh Cà Mau đều không còn nguyên chất!”. Thông tin này dẫn nguồn là chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau (trực thuộc sở Công thương tỉnh Cà Mau) cung cấp.
“Vừa có đợt kiểm tra và phát hiện tới 85% mật ong được bày bán ra thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất”, các cơ quan báo chí này nêu. Cụ thể, 1 lít mật ong nguyên chất khi pha trộn (pha đường) sẽ cho ra 3-4 lít (mật ong thành phẩm), nên không đảm bảo chất lượng. Giá mật ong nguyên chất từ 500.000- 600.000 đồng/lít, nhưng có nơi chỉ bán 100.000 đồng/lít!
Ngay sau khi phát hiện những thông tin này, ngay ngày 11.8, sở Công thương đã triệu tập những đơn vị, cá nhân có liên quan để họp khẩn. Bởi mật ong U Minh (Cà Mau) là đặc sản tự nhiên ở miệt rừng U Minh Hạ, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” vào ngày 22.12.2011 và đã tạo được uy tín trên thị trường.
Cuộc họp khẩn của sở Công thương tỉnh Cà Mau đã xác định: báo cáo của các đơn vị là không có chuyện phát ngôn như vậy và lực lượng chức năng cũng không hề đi kiểm tra, phát hiện một lượng lớn mật ong đặc sản bày bán ở Cà Mau đã bị… pha đường như vậy! Trước thông tin không chính xác này, sở Công thương đã tổng hợp, báo cáo lên UBND tỉnh Cà Mau và Sở TTTT đề nghị can thiệp, làm rõ…
Sự việc đã rõ ràng, nhưng phóng viên của những tờ báo và đài truyền hình kia lấy thông tin từ đâu ra mà dám viết như vậy? Đây là điều cần làm rõ, bởi với người cầm bút, trách nhiệm và sự thật là đòi hỏi trên hết. Nhiều người gác ong, các HTX, tập đoàn sản xuất mật ong ở Cà Mau đang rất bức xúc!
“Cần làm rõ vì thông tin này làm ảnh hưởng đến người sản xuất mặt hàng mật ong, thiệt hại đến sự phát triển của ngành hàng này, khiến người tiêu dùng hoang mang. Bên cạnh đó, mật ong là đặc sản của tỉnh đượckhách du lịch đến tìm mua, có thông tin như vậy thì rất thiệt thòi cho Cà Mau”, ông Lưu Văn Quốc, Phó giám đốc sở Công thương khẳng định.
“Người làm báocó lương tâm phải biết thông tin mình đưa ra có lợi cho ai và có hại cho ai? Mật ong U Minh là 1 thương hiệu do hàng ngàn thợ gác kèo ong cần mẫn làm nên. Lẽ ra báo chí phải góp phần quảng bá cho họ. Xã hội đang có 1.001 chuyện bức bối cần tiếng nói của nhà của nhà báo thì họ lại đánh vào nông dân”, 1 nhà báo có uy tín, quê gốc ở Cà Mau, bức xúc.
Trước đó, nông dân miền Tây từng điêu đứng vì những thông tin không chính xác như xoài sử dụng bao trôi nổi có khả năng gây ung thư, ăn bưởi ung thư... khiến giá xoài tụt 50%, bưởi không tiêu thụ được, nông dân điêu đứng, thiệt hại tính con số hàngtỉđồng. Nông dân đã oằn mình vì thiên tai, vì giống dỏm, phân giả, nay lại rơi nước mắt vì những nhà báo vô trách nhiệm!
Hấp tấp, thiếu kiểm chứng, không đắn đo khi đặt bút viết và “chôm chỉa” thông tin lẫn nhau, chính là nguyên nhân khiến thông tin sai sự thật về mật ong của Cà Mau xuất hiện và lan truyền. Khi cầm bút, phải nghĩ đến thông tin mình đưa ra có lợi cho ai, làm hại ai, nhưng quan trọng nhất, phải là sự thật!
Hiện Cà Mau có khoảng 1.000 người gác kèo ong mật, và lượng lao động “ăn theo” để chế biến mật ong cũng ở con ố hàng ngàn. Mỗi năm, Cà Mau đưa ra thị trường sản lượng mật mỗi năm từ 30.000-50.000 lít. Thiệt hại không nhỏ.
Văn bản thừa nhận chi cục Quản lý thị trường Cà Mau không hề cung cấp thông tin
Được biết, hiện đã có 1 cơ quan truyền thông gửi công văn giải trình đến sở TTTT Cà Mau, thừa nhận việc “dẫn nguồn cung cấp tin là chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, chi tiết này không đúng! Lỗi là do sơ suất khâu biên tập. Chi cục Quản lý thị trường không có ai cung cấp thông tin này. Chúng tôi đã đề nghị đính chính...”.
Tuy nhiên, phần đầu công văn này vẫn cho rằng: “Vấn đề chất lượng mật ong không đảm bảo nguyên chất, đây là nội dung cốt lõi của bản tin. Chúng tôi khẳng định đây là thông tin có cơ sở”. Thử hỏi cơ sở ở đâu ra, khi chỉ có cơ quan chức năng như chi cục Quản lý thị trường mới có chức năng kiểm tra và đánh giá, đưa ra con số, tỷ lệ như vậy.
Đành rằng Cà Mau vẫn có mật ong không có chất lượng, nhưng tung ra con số 85% thì quả là quá lố và vô căn cứ! Mật ong U Minh là thương hiệu được công nhận, và sự xúc phạm gây tổn hại kinh tế này, liệu có nên kiện đòi bồi thường để những phóng viên “hứng là viết” phải nghĩ đến 2 chữ “trách nhiệm”?
Nguyễn Hồ