Lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại đang có ảnh hưởng rất lớn đến cung tiền của nền kinh tế, qua đó có thể tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, đặc biệt nếu các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này chảy vào các tài sản đầu cơ, nhất là thị trường chứng khoán.

Tác động từ việc Kho bạc Nhà nước đem lượng tiền lớn đi gửi ngân hàng

tuyetnhung | 10/07/2018, 17:50

Lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại đang có ảnh hưởng rất lớn đến cung tiền của nền kinh tế, qua đó có thể tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, đặc biệt nếu các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này chảy vào các tài sản đầu cơ, nhất là thị trường chứng khoán.

Diễn biến xung quanh lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong khi quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đã tạo ra một lượng lớn tiền nhàn rỗi, các chính sách mới đây của Chính phủ dường như đã "mở toang" cánh cửa để lượng tiền đó chảy mạnh hơn vào tài khoản tại các ngân hàng trong năm 2017.

Theo dõi báo cáo tài chính 16 ngân hàng niêm yết, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận tổng lượng tiền gửi của của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng mạnh và đạt 273.000 tỉ đồng, tương đương 12 tỉ USD, tính tới cuối năm 2017 trước khi giảm nhẹ xuống mức 253.000 tỉ đồng vào cuối quý 1/2018. Đáng chú ý, câu chuyện này đã từng xuất hiện trong giai đoạn 2008-2009 khi lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nướcđã tăng gấp đôi và đạt 130.000 tỉ đồng trong vòng 1 năm.

Trong số các ngân hàng thương mại, các ngân hàng quốc doanh được hưởng lợi nhiều nhất. Vietcombank chiếm khoảng 60% tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tiếp theo là BIDV và VietinBank. Trong quý 1/2018, tiền gửi tại BIDV và VietinBank tăng trong khi Vietcombank giảm 24% so với năm 2017.

VDSC đánh giá lượng tiền gửi khổng lồ này có thể sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thông qua việc thay đổi tổng lượng cung tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lượng tiền gửi trên trong thời điểm cuối tháng 12.2017 đã tạo điểm tựa lớn giúp Vietcombank thu xếp thành công thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco trị giá 5 tỉ USD.

"Câu hỏi liệu có hay không việc các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn này chảy vào các tài sản đầu cơ, đặc biệt thị trường chứng khoán. Hơn nữa, thị trường trái phiếu dường như cũng chịu ảnh hưởng khi tỷ lệ giao dịch mua bán lại và tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cũng tăng mạnh, qua đó dẫn đến xu hướng lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam liên tục giảm?", VDSC đặt câu hỏi.

Dự báo tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại, VDSC nhìn nhận tiền gửi của Kho bạc Nhà nướcsẽ vẫn tiếp tục là nguồn vốn lớn trên thị trường tài chính trong năm 2018 - 2019 nhưng có thể chỉ các định chế tài chính lớn mới được hưởng lợi từ "miếng bánh" này, do Chính phủ dự định giảm lãi suất cho vay trung bình nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Do đó, lượng tiền gửi này chính là một khoản “trợ cấp” cho các nhà băng lớn nhằm giải mặt bằng lãi suất chung.

Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính sẽ được phép mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, các bộ phận của Kho bạc Nhà nước có thể mở thêm tài khoản tại các ngân hàng khác nếu cần, phần nào có thể làm tăng lượng tiền của Kho bạc tại các ngân hàng.

Cũng theo dự báo của VDSC, vấn đề giải ngân đầu tư công thấp vẫn sẽ tồn tại trong năm 2018. Điều này giúp duy trì lượng tiền gửi khổng lồ của Kho bạc Nhà nướctại các Ngân hàng Thương mại.

Tính đến thời điểm ngày 31.12.2017, chỉ riêng tại 5 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBBank và VIB thì số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã lên tới 238.493 tỉ đồng, gấp 3,3 lần so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu tập trung tại các ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối. Riêng Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nướccao nhất với 165.081 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với cuối tháng 9.2017.

Trong khi đótại BIDV, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng tăng đến 44% so với cuối quý 3/2017 và gấp đôi so với con số hồi đầu năm, đạt tới 59.465 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm.

Giới chuyên gia đánh giá các ngân hàng có số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV... đã và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nhờ số tiền gửi lớn với lãi suất thấp này. Tuy nhiên, việc Kho bạc Nhà nước tăng gửi tiền tại các ngân hàng chưa hẳn tốt cho chính sách tài khóa. Điều này cho thấy hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công có thể đang gặp trở ngại.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác động từ việc Kho bạc Nhà nước đem lượng tiền lớn đi gửi ngân hàng