Giá dầu thô tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng là tín hiệu tốt với nguồn thu ngân sách, nhưng lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Tác động và hệ quả khi giá dầu thô tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng

Tuyết Nhung (TH) | 21/02/2022, 08:30

Giá dầu thô tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng là tín hiệu tốt với nguồn thu ngân sách, nhưng lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng 19.2, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4.2022 ở mức 90,52 USD/thùng, tăng 0,48 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4.2022 đứng ở mức 93,65 USD/thùng, tăng 0,68 USD/thùng trong phiên.

1611539283-2.jpg
Giá dầu thô tăng cao sẽ tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến Việt Nam 

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine đã khiến thị trường dầu mỏ biến động trong vài tuần qua, với những lo ngại rằng gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất lớn này có thể đẩy giá dầu vượt 100 USD/thùng. So với cùng kỳ năm ngoái thì giá dầu đã tăng gần 20%.

Theo đà tăng này, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường trong nước đã lên mức cao nhất trong 8 năm, mỗi lít xăng RON 95 vượt 25.000 đồng. Trong kỳ điều chỉnh ngày hôm nay (21.2), giá xăng dầu trong nước tiếp tục được dự báo tăng mạnh khoảng 1.000 đồng/lít.

Trong bối cảnh giá dầu thô đang trên đà tăng mạnh, giới chuyên gia trong nước dự báo điều này sẽ có những tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến kinh tế, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Nói về tác động tích cực, nguồn thu ngân sách sẽ tăng đáng kể từ dầu thô. Các khoản thu thuế từ xăng, dầu như: thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... cũng sẽ tăng.

Năm 2021, thu ngân sách từ dầu thô khoảng 35.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách. Bình quân giá dầu thanh toán năm ngoái đạt gần 68 USD/thùng, cao hơn khoảng 23 USD so với giá dự toán. Vì vậy, khi giá dầu thô tăng cao thì ngân sách nhà nước sẽ được lợi.

Ngược lại, giá dầu thô tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Không chỉ tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Với nền kinh tế, khi giá xăng dầu tăng 10% thì GDP giảm khoảng 0,5%. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Điều này vừa dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa làm thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Cũng theo ông Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Về phía cơ quan quản lý là Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã tính các phương án, hài hoà sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG). Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương.

"Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ví dụ giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế lên trên, nếu giá xăng dầu quá cao sẽ tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế. Ở bối cảnh công cụ Quỹ BOG có hạn, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm phải sử dụng công cụ thuế, phí", ông Đông cho hay.

Bài liên quan
PVN phản bác Tổng cục Hải quan về việc bán dầu thô giá rẻ cho Trung Quốc
Dầu thô Việt Nam được xuất bán đến thị trường Trung Quốc bao gồm một phần từ khách hàng Trung Quốc tham gia đấu thầu mua trực tiếp, một phần do các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế mua dầu thô của Việt Nam rồi bán lại vào thị trường Trung Quốc...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác động và hệ quả khi giá dầu thô tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng