Năm 2022, mục tiêu phấn đấu GDP từ 6 đến 6,5% và CPI ở mức 4% được xem là khá cao, đòi hỏi sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt.

Dự báo lạm phát 2022: Những vấn đề cần quan tâm

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú | 18/02/2022, 20:08

Năm 2022, mục tiêu phấn đấu GDP từ 6 đến 6,5% và CPI ở mức 4% được xem là khá cao, đòi hỏi sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt.

Trải qua một năm kế hoạch 2021, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và trở ngại trong phòng chống dịch, cùng với duy trì phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, với kết quả đạt được ở mức khiêm tốn: GDP tăng trưởng 2,58% và CPI ở mức 1,84%. Bước sang năm nay, Việt Nam sẽ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong một tâm thế mới, linh hoạt, chủ động trong phòng chống dịch.

lam-phat.jpg
Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%

Năm 2022, mục tiêu phấn đấu GDP từ 6 đến 6,5% và CPI ở mức 4% được xem là khá cao, đòi hỏi quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt. Riêng về dự báo lạm phát, để đạt được chỉ tiêu đề ra, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố sau:

Điều đầu tiên là giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng cao. Hiện nay, sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác, đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất… trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các nước đang lần lượt mở cửa trở lại về du lịch, dịch vụ và phát triển sản xuất, từ đó dẫn tới giá năng lượng, nguyên vật liệu... tăng lên, điều đó gây bất lợi cho chúng ta.

Mặt khác, giá thành các loại chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cũng tăng cao do vẫn chịu ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến chi phí sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nội địa. Điều này cũng tạo thêm những áp lực lạm phát ngay từ những quý đầu năm 2022. Vì vậy, chúng ta cần phải khắc phục những khó khăn này bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.

Ngoài ra, cần khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Yếu tố thứ hai cần quan tâm đến đó là cầu tiêu dùng, sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được bung ra một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch. Điều này tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm dần 2022. Theo đó, tôi cho rằng cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.

Yếu tố thứ ba cần nói đến là hệ thống phân phối quốc gia. Kinh nghiệm trong hai năm chống dịch, một khi chợ, kể cả chợ đầu mối, siêu thị đóng cửa với số lượng lớn thì việc đảm bảo cho tiêu dùng sẽ bị gián đoạn. Hàng hóa, nhất là hàng nông sản, không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ, ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra hiện tượng đầu cơ, nâng giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả.

Chính vì vậy, cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa một cách vững chắc, bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, không ép cấp ép giá, chiết khấu, kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên một cách vô lý trên thị trường.

Với tình hình hiện nay thì nguồn cung hàng hóa của Việt Nam khá dồi dào nhưng "cổ họng" bán lẻ còn hẹp và nhiều lúc trục trặc không tiêu thụ hết, chính vì vậy cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm: chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng, ứng dụng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để giao dịch hàng hoá nhanh, ít chi phí, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn, giáo dục thái độ nhân văn, chia sẻ trong chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ... Tất cả những việc làm trên nhằm hạn chế những biến động về giá cả, góp phần vào việc hạn chế tố độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả cho những năm tiếp theo.

Ngoài những yếu tố trên, về mặt vĩ mô cần kiên quyết chỉ đạo đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Thu chi ngân sách đúng kế hoạch và hiệu quả. Tiếp tục mở rộng đầu tư công nhất là cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt các thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch, tính nhân văn, chia sẻ trong cộng đồng các doanh nghiệp và trong xã hội: "Rủi ro chia sẻ lợi nhuận hài hòa" như chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ"....

Làm tốt những vấn đề trên thì chắc chắn chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 2,7-3,5%, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Bài liên quan
Người Nhật thay đổi thói quen hàng ngày vì lạm phát
Kinh ngạc trước tốc độ tăng giá của nhiên liệu, thực phẩm cùng nhiều mặt hàng gia dụng khác ở Nhật Bản thời gian gần đây, nhà văn tự do Kantaro Suzuki quyết định đối phó lạm phát bằng cách đi bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự báo lạm phát 2022: Những vấn đề cần quan tâm