Hai công ty Đức Ferrostaal và EnerSys-Hawker đã bị tố cáo cung cấp thiết bị kém chất lượng cho San Juan, chiếc tàu ngầm của Hải quân Argentina bị mất tích hôm 15.11.
Hai đài phát thanh-truyền hình Bayerischer Rundfunkvà ARD cho biết hai công ty đã bán loại pin thay thế cho tàu ngầm mất tích, thông qua một chương trình tham nhũng đem lại lợi ích cho một số cá nhân trong Hải quân Argentina.
Tàu ARA San Juan được bắt đầu đóng tại Đức vào năm 1983 và trải qua một đợt đại tu lớn năm 2011. Theo hợp đồng cung cấp dịch vụ trong vòng 30 năm nữa, đợt đại tu có cả việc thay thế 964 tấm pin cho tàu. Theo Bayerischer Rundfunk và ARD, hai công ty Đức bằng cách bất hợp pháp đã giành được hợp đồng trị giá 5 triệu euro, cung cấp phụ tùng thay thế cho tàu ngầm.
Bà Cornelia Schmidt-Liermann, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Quốc hội Argentina, cho biết cơ quan chức năng nước này tin rằng đã có hành vi hối lộ trong quá trình đấu thầu hợp động sửa chữa cho ARA San Juan. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy những pin thay cho tàu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, theo bà Cornelia.
Trang tin RT cho hay đây không phải lần đầu Ferrostaal và EnerSys-Hawker bị chú ý. Năm 2010, cả hai đã tham gia đấu thầu hợp đồng cung cấp tàu tấn công nhanh cho hải quân Argentina và Chile. Họ không giành được thầu, nhưng vẫn chi ra khoản tiền hối lộ.
Argentina lúc đó đã mở một cuộc điều tra về những tấm pin chất lượng kém dùng cho tàu ngầm, nhưng cuộc điều tra đã đi vào bế tắc, RT cho biết.
Những tàu ngầm không dùng động cơ hạt nhân thường trang bị những tấm pin sạc để cung cấp điện cho động cơ. Thông thường, tàu ngầm loại này sẽ dùng động cơ diesel khi chạy trên mặt nước và sẽ chuyển sang dùng điện khi lặn xuống nước để khiến tàu hoạt động yên tĩnh hơn, do đó ít bị phát hiện hơn.
Trước đó vào ngày 27.11, Hải quân Argentina cho biết trước khi mất tích, thuyền trưởng tàu đã gửi thông báo nước biển qua ống thở đi vào bình chứa pin số 3 của tàu ngầm ARA San Juan, gây ra hiện tượng bị chạm mạch. Tàu sau đó đã đóng bình chứapin này và dùng pin khác để tiếp tục đi về căn cứ Mar del Plata, nhưng sau đó thì mất tích.
Ngay sau lần liên lạc cuối cùng, Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện, một cơ quan quốc tế điều hành các thiết bị kiểm tra các vụ nổ nguyên tử bí mật, phát hiện một âm thanh được hải quân cho là tiếng nổ của con tàu.
Ngày 30.11, Argentina tuyên bố từ bỏ nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan.
Cẩm Bình (theo RT)