Các nhà phân tích Phố Wall cho biết Tesla phải đối mặt với hàng loạt rào cản từ sản xuất khó khăn đến lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, khi nhà sản xuất ô tô điện Mỹ báo cáo lượng giao hàng lần đầu tiên giảm sau 2 năm.
Bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc và chi phí tăng cao, Tesla cho biết đã giao 254.695 ô tô điện trong quý 2/2022, giảm khoảng 18% so với quý đầu tiên.
Những rắc rối trong chuỗi cung ứng tại nhà máy mới hơn của Tesla ở Austin (thủ phủ bang Texas, Mỹ) và Berlin (thủ đô Đức) cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Các nhà phân tích cảnh báo rằng những vấn đề này có thể làm giảm lợi nhuận của Tesla.
Hôm 5.7, cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới giảm hơn 3% nhưng sau đó đảo chiều tăng 2,6%, hưởng lợi từ sự phục hồi của các cổ phiếu tăng trưởng.
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2022, cổ phiếu Tesla đã mất khoảng 1/3 giá trị.
Nhà phân tích Susannah Streeter của hãng Hargreaves Lansdown cho biết: “Ánh sáng của Tesla đã mờ đi một lần nữa với sự sụt giảm số lượng giao hàng mới nhất này, thấp hơn so với kỳ vọng”. Ông nói thêm rằng đây là một bước lùi với tham vọng của Tesla trong việc dẫn đầu thị trường ô tô điện.
"Tesla đang phải đối mặt với một kịch bản thật tồi tệ, một vấn đề được khắc phục càng nhanh thì một vấn đề khác lại xuất hiện", Hargreaves Lansdown nhận định.
Các nhà phân tích công ty J.P Morgan cho biết kết quả sản xuất và tài chính của Tesla có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thực hiện cụ thể của công ty tại nhà máy mới ở Texas và Berlin.
Susannah Streeter cảnh báo rằng sự siết chặt chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới do sức nóng lạm phát có thể tác động lên nhu cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích kỳ vọng sự phục hồi vào cuối năm nay.
Garrett Nelson, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại công ty CFRA Research, nói nhà máy ở Texas và Berlin có khả năng vẫn là lực cản với kết quả của Tesla cho đến khi chúng đạt được tỷ lệ sử dụng cao hơn, nhưng dự kiến khối lượng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk cho biết nhà máy sản xuất ô tô điện mới của công ty ở Texas và Berlin đang "mất hàng tỉ USD" khi phải vật lộn để tăng sản lượng vì thiếu pin và các vấn đề liên quan đến cảng Trung Quốc.
"Cả hai nhà máy ở Berlin và Austin lúc này đều là những lò nung tiền khổng lồ. Được chứ? Nó thực sự giống như một âm thanh gầm rú khổng lồ, tức là tiếng lửa đốt tiền", Elon Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với Tesla Owners of Silicon Valley (một CLB được Tesla chính thức công nhận).
Elon Musk cho biết nhà máy của Tesla ở Texas sản xuất một số lượng ô tô điện nhỏ vì những thách thức trong việc thúc đẩy sản xuất loại pin 4680 mới của họ và do các công cụ để làm ra pin 2170 thông thường đang "mắc kẹt tại cảng ở Trung Quốc".
"Tất cả điều này sẽ nhanh chóng được khắc phục, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm", ông nói.
Tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết nhà máy của Tesla ở Berlin đang ở "vị thế tốt hơn một chút" bởi nó bắt đầu sử dụng pin 2170 truyền thống cho những chiếc ô tô điện được chế tạo ở đó.
Elon Musk nói rằng việc nhà máy ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, gây rất nhiều khó khăn.
Theo ông, việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ô tô điện không chỉ tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải mà còn cả nhà máy tại bang California (Mỹ), nơi sử dụng một số bộ phận xe được sản xuất ở Trung Quốc.
"Hai năm qua là một cơn ác mộng tuyệt đối về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết việc này đến việc khác và chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nó", Elon Musk nhấn mạnh.
Ông nói mối quan tâm lớn của Tesla là: "Làm thế nào để chúng ta giữ cho các nhà máy hoạt động để có thể trả lương cho mọi người và không bị phá sản?".
Elon Musk cho biết vào đầu tháng này rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế và công ty cần cắt giảm nhân viên khoảng 10%, "tạm dừng tất cả việc tuyển dụng trên toàn thế giới". Sau đó, ông cho biết việc cắt giảm 10% nhân viên làm công ăn lương tại Tesla sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng.
Đầu năm nay, Tesla đã bắt đầu sản xuất tại các nhà máy ở Berlin và Texas, cả hai đều rất quan trọng với tham vọng tăng trưởng của hãng ô tô điện hàng đầu thế giới.
Elon Musk cho biết ông dự kiến Tesla sẽ bắt đầu sản xuất xe bán tải chạy điện Cybertruck của mình, vốn đã bị trì hoãn, vào giữa năm 2023.
Tesla thất thế trước đối thủ Trung Quốc do Warren Buffett hậu thuẫn
Do tỷ phú Warren Buffett (Mỹ) hậu thuẫn, hãng BYD đã bán được nhiều ô tô điện hơn Tesla trong 6 tháng đầu năm. Song điều đó không có nghĩa là công ty Trung Quốc bán được nhiều ô tô điện chỉ dùng pin nhất.
BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đã bán được 641.000 xe năng lượng mới trong nửa đầu năm 2022, công ty cho biết vào ngày 3.7. Con số đó thể hiện mức tăng gần 315% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong riêng tháng 6.2022, BYD đã bán được 134.036 xe năng lượng mới, tăng 162,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để so sánh, Tesla đã giao gần 565.000 ô tô điện trong nửa đầu năm 2022. Trong quý 2/2022, Tesla đã giao 254.695 ô tô điện, giảm 18% so với con số 310.048 xe trong quý 1/2022. Thế nhưng, tháng 6 là tháng sản xuất ô tô điện cao nhất trong lịch sử của Tesla, theo công ty Mỹ.
Chìa khóa nằm ở thuật ngữ xe năng lượng mới (hoặc NEV) mà BYD sử dụng. Ở Trung Quốc, xe năng lượng mới bao gồm các loại xe plug-in hybrid có động cơ đốt trong cũng như bộ pin có thể sạc bằng nguồn điện bên ngoài. BYD bán cả xe plug-in hybrid cũng như tất cả loại ô tô chạy bằng pin. Tesla chỉ bán ô tô điện chạy bằng pin, điều mà chúng ta thường nghĩ đến khi nghe thuật ngữ EV.
Cụ thể hơn, BYD đã bán được 314.638 xe plug-in hybrid trong nửa đầu năm, tăng 454% so với nửa đầu năm 2021. Công ty Trung Quốc đã bán được 323.519 ô tô điện chạy bằng pin trong nửa đầu năm 2022, tăng 246% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Tesla bán được 564.753.
Tesla vẫn có lợi thế trong lĩnh vực ô tô điện chỉ chạy pin, nhưng tốc độ phát triển của BYD đang tăng nhanh.
Elon Musk đã cười nhạo BYD và Warren Buffett vào năm 2011 khi Berkshire Hathaway đầu tư lần đầu vào công ty Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Tesla từng nói: "Tôi không nghĩ rằng họ có một sản phẩm tuyệt vời. Tôi không nghĩ nó đặc biệt hấp dẫn, công nghệ cũng không mạnh lắm".
Cú nhảy vọt về sản lượng của BYD cho thấy sức mạnh công nghiệp ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô điện quan trọng về mặt chiến lược.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (tổng hợp số liệu về sản xuất ô tô điện) cho biết tăng trưởng doanh số bán ô tô điện trên toàn cầu trong năm ngoái chủ yếu do Trung Quốc thúc đẩy.
Cơ quan này nói thêm: “Nhiều xe điện đã được bán ở Trung Quốc vào năm 2021 (3,3 triệu) so với toàn thế giới vào năm 2020”. Châu Âu chiếm khoảng 630.000 doanh số bán hàng.
BYD cũng đã vượt qua LG, tập đoàn công nghiệp của Hàn Quốc, trở thành nhà sản xuất pin cho ô tô điện lớn nhất thế giới, theo tờ Financial Times.