Jason Fung, cựu Giám đốc đơn vị game của TikTok, đang thành lập công ty khởi nghiệp game blockchain có tên Meta0 với tư cách là một trong hai người đồng sáng lập, khi các gã khổng lồ vẫn cảnh giác.
Jason Fung tham gia cuộc phỏng vấn của Reuters khi dư luận ngày càng quan tâm game blockchain.
Người đàn ông 34 tuổi rời TikTok vào tháng trước sau 2 năm gắn bó với công ty. Sự ra đi của Jason Fung diễn ra khi TikTok và công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) đang tích cực mở rộng vào thị trường game toàn cầu trị giá 300 tỉ USD để cạnh tranh với đối thủ Tencent Holdings, một nỗ lực mang lại kết quả khác nhau cho đến nay.
Nó cũng phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nhân và nhà đầu tư với các game blockchain - thế hệ game trực tuyến mới được xây dựng trên các blockchain cho phép người chơi giao dịch những mặt hàng dưới dạng NFT (token không thể thay thế).
Có liên doanh mới được gọi là Meta0, Jason Fung tiết lộ ông rời TikTok sau khi nhận thấy cơ hội cung cấp giải pháp cho bản chất tách biệt hiện tại của các tùy chọn cơ sở hạ tầng có sẵn cho các nhà phát triển muốn xây dựng game blockchain.
"Ngay bây giờ, nếu bạn nhìn vào bất kỳ nhà phát triển nào triển khai NFT hoặc blockchain trong game, họ phải chọn một blockchain duy nhất, có thể là Polygon, Solana hoặc Binance Smart Chain. Nhưng hãy tưởng tượng một tùy chọn tương tác hơn", Jason Fung nói với Reuters ở Hồng Kông, đề cập đến ba blockchain phổ biến hiện có.
"Vì vậy, chúng tôi đã quyết định, hãy làm điều đó. Hãy cùng thành lập công ty này. Hãy từ bỏ cuộc sống của tôi tại TikTok và chấp nhận rủi ro khổng lồ", Jason Fung (người sống tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) nói và đã thông báo xin nghỉ việc với Vanessa Pappas, Giám đốc vận hành TikTok.
Jason Fung nói nhóm sáng lập của Meta0 bao gồm 6 thành viên cùng 2 người đồng sáng lập và công ty đã hoàn tất vòng tài trợ đầu tiên.
Ông từ chối tiết lộ chi tiết về người đồng sáng lập khác, phần còn lại của nhóm hoặc khoản đầu tư. Jason Fung cho biết công ty đang tìm cách huy động vốn thông qua phát hành token, cũng như từ các nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư chiến lược.
Những người ủng hộ game blockchain nói rằng họ sẽ làm bùng nổ ngành công nghiệp này vì tiền mã hóa làm cho các vật phẩm ảo có thể dễ giao dịch hơn và thậm chí phân phối quyền sở hữu game cho người chơi. Thế nhưng, các game blockchain đôi khi cũng có liên quan đến lừa đảo và nền kinh tế ảo của một số game đã sụp đổ ngay sau khi người chơi mua vào.
Hầu hết công ty game lâu đời như Tencent, Sony và Microsoft vẫn chưa đặt cược lớn vào các game blockchain.
Từng là người đứng đầu chiến lược và hoạt động toàn cầu về game của TikTok, Jason Fung được giao nhiệm vụ mở rộng nội dung game và thử nghiệm các tính năng mới như lưu trữ các mini game trên ứng dụng.
TikTok và ByteDance đã mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực chơi game trong thời kỳ Jason Fung nắm quyền, với các thương vụ mua lại của ByteDance, bao gồm việc chi 4 tỉ USD mua studio sản xuất game Moonton và TikTok đang thử các tính năng mini game trên ứng dụng của mình.
Những nỗ lực đã chứng kiến cả thành công và thất bại. Tháng trước, công ty theo dõi dữ liệu Sensor Tower cho biết danh mục game di động của ByteDance đã tạo ra hơn 1 tỉ USD doanh thu trên toàn thế giới trong 12 tháng qua.
Tuy nhiên, ByteDance cũng đã đóng cửa 101 Studio có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng trước, sa thải một nửa trong số hơn 300 nhân viên. Là sản phẩm của việc mua lại Mokun Technology vào năm 2019, 101 Studio là đơn vị phát triển đầu tiên mà ByteDance đóng cửa vì gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Là người lãnh đạo các đơn vị thể thao điện tử trong Alibaba Group Holding và Electronic Arts ở châu Á trước khi gia nhập TikTok, Jason Fung đã từ chối bình luận khi được hỏi về người có thể thay thế ông tại TikTok.
Game blockchain là xu hướng đầu tư hot
Bất chấp sự thận trọng của một số người trong ngành, game blockchain đã trở thành một trong những xu hướng đầu tư nóng nhất được thảo luận bởi các ông trùm tiền điện tử từ Thung lũng Silicon đến Dubai.
Trước cuộc khủng hoảng thị trường tiền mã hóa gần đây, ngành công nghiệp game blockchain đã huy động được mức kỷ lục 1,2 tỉ USD trong quý đầu tiên, theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư Drake Star Partners vào tháng 4.2022. Năm ngoái, tổng cộng 3,6 tỉ USD đã được huy động cho lĩnh vực này.
Jason Fung nói: “Chúng tôi đã xây dựng một giao thức cho các nhà phát triển game và chúng tôi áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt, theo phương pháp blockchain-bất khả tri để phát triển game của họ. Với một giao thức mà chúng tôi đang phát triển, các nhà phát triển có thể dễ dàng xây dựng thế mạnh tận dụng game của các blockchain khác nhau và cho phép người dùng linh hoạt trong việc chuyển chuỗi chéo NFT của họ".
Blockchain-bất khả tri có nghĩa là các giải pháp kinh doanh khác nhau của bạn có thể được xây dựng hoặc vận hành từ các công nghệ blockchain cơ bản khác nhau.
Reuters: TikTok lên kế hoạch đẩy mạnh chơi game trên ứng dụng, thử nghiệm ở Việt Nam
TikTok đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm để người dùng có thể chơi game trên ứng dụng chia sẻ video của hãng này ở Việt Nam.
Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chơi game của TikTok, bốn người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với Reuters.
Các game trên nền tảng của TikTok sẽ tăng doanh thu quảng cáo cũng như lượng thời gian người dùng dành cho ứng dụng. TikTok hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới với hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng.
Tự hào với dân số hiểu biết về công nghệ, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Facebook của Meta Platforms và YouTube của Google.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), cũng có kế hoạch triển khai game rộng rãi hơn ở Đông Nam Á, theo những nguồn tin của Reuters. Hai trong số họ cho biết động thái đó có thể đến sớm nhất là trong quý 3/2022.
Các nguồn tin từ chối nêu tên vì thông tin vẫn chưa được tiết lộ công khai.
Một đại diện của TikTok cho biết công ty đã thử nghiệm đưa các game HTML5, dạng mini game phổ biến, vào ứng dụng của mình thông qua hợp tác với các nhà phát triển game và studio bên thứ ba như Zynga. Thế nhưng, TikTok từ chối bình luận về kế hoạch của mình ở Việt Nam hoặc tham vọng về game rộng hơn của mình.
"Chúng tôi luôn tìm cách làm phong phú nền tảng của mình, thường xuyên thử nghiệm các tính năng và tích hợp mới mang lại giá trị cho cộng đồng của chúng tôi", người đại diện TikTok cho biết trong tuyên bố gửi qua email cho Reuters.
ByteDance đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Reuters chưa tìm hiểu kế hoạch của TikTok về việc tung ra tính năng chơi game ở các thị trường khác. Dù người dùng TikTok có thể xem các game đang được phát trực tuyến, nhưng ở hầu hết các khu vực, họ không thể chơi game trong ứng dụng.
Tại Mỹ, chỉ vài game dường như có sẵn trên TikTok như Disco Loco 3D của Zynga (thử thách âm nhạc và khiêu vũ), Garden of Good (người chơi trồng rau để kích hoạt sự đóng góp của TikTok cho tổ chức phi lợi nhuận Feeding America).
Theo hai nguồn tin, TikTok có kế hoạch chủ yếu dựa trên bộ game của ByteDance.
Dù công ty sẽ bắt đầu với các mini game, có xu hướng chơi đơn giản và thời gian chơi ngắn, nhưng tham vọng về game của TikTok còn vươn xa hơn thế, theo một trong những người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này.
TikTok sẽ cần có giấy phép để giới thiệu các game trên nền tảng của mình tại Việt Nam. Nguồn tin cho biết quá trình này dự kiến sẽ diễn ra suôn sẻ vì các game được lên kế hoạch không gây tranh cãi.
Người dùng Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, đã có thể chơi game trên nền tảng này kể từ năm 2019.
Các game của TikTok có khả năng hiện quảng cáo ngay từ đầu, với sự phân chia doanh thu giữa ByteDance và các nhà phát triển game, một nguồn tin riêng cho biết.
Sự đột phá của TikTok vào game phản ánh những nỗ lực tương tự của các hãng công nghệ lớn đang tìm cách giữ chân người dùng. Facebook đã ra mắt Instant Games vào năm 2016 và Netflix gần đây cũng thêm game vào nền tảng của mình.
Động thái này cũng đánh dấu nỗ lực mới nhất của ByteDance trong việc khẳng định mình là một ứng cử viên lớn trong lĩnh vực chơi game. ByteDance đã mua lại studio game Moonton Technology có trụ sở tại Thượng Hải vào năm ngoái, đưa nó vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Tencent - hãng game lớn nhất Trung Quốc.
Ngay cả khi không cho chơi game, TikTok đã chứng kiến doanh thu quảng cáo tăng đột biến.
Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, doanh thu quảng cáo của TikTok có thể sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay lên hơn 11 tỉ USD, vượt quá doanh thu kết hợp của Twitter và Snap.
Debra Aho Williamson, nhà phân tích tại Insider Intelligence, cho biết: “Cơ sở người dùng của TikTok đã bùng nổ trong vài năm qua và lượng thời gian người dùng dành cho ứng dụng là rất lớn".
Twitter và Snapchat dự kiến sẽ tạo ra lần lượt 5,58 tỉ USD và 4,86 tỉ USD doanh thu quảng cáo cho năm 2022, với tổng giá trị vẫn thấp hơn 11 tỉ USD dự kiến cho TikTok.
Gần 6 tỉ USD doanh thu quảng cáo của TikTok năm nay dự kiến đến từ Mỹ, bất chấp mối lo ngại về việc dữ liệu người dùng từ Mỹ được chuyển sang Trung Quốc.