Hãng tin AP ngày 1.8 nhận định ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng các trạm điện hạt nhân nổi vào mục đích xấu. Đó là hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò nguồn dầu khí phi pháp tại Biển Đông.

Tham vọng trạm điện hạt nhân nổi của Trung Quốc gặp rắc rối lớn

Cẩm Bình | 02/08/2016, 15:22

Hãng tin AP ngày 1.8 nhận định ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng các trạm điện hạt nhân nổi vào mục đích xấu. Đó là hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò nguồn dầu khí phi pháp tại Biển Đông.

Theo AP, hiện có hai tập đoàn nhà nước của Trung Quốc lên kế hoạch phát triển trạm điện hạt nhân nổi.Đây là công nghệ vốn đã được xem xét từ những năm 1970 nhằm phục vụ cho các giàn khoan dầu và cộng đồng dân cư sống trên các đảo.

Trong lĩnh vực này, Trung Quốc sẽ phải chạy đua với Nga, nước đã phát triển trạm điện hạt nhân nổi từ năm 2007.

Tuy nhiên, AP đánh giá tham vọng phát triển trạm điện hạt nhân nổi của Trung Quốc sẽ bị kiềm chế vì càng ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng các trạm điện xây dựng được vào mục đích xấu. Đó là hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò nguồn dầu khí phi pháp tại Biển Đông.

Lo ngại trên là có cơ sở, nhất là sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ cơ sở pháp lý của yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã có những phát biểu và hành động ngang ngược, trong đó có cả hoạt độngtập trận chung.

Trạm điện hạt nhân công nghệ Trung Quốc

AP nhận định kế hoạch xây dựng trạm điện hạt nhân nổi cho thấy Bắc Kinh rất quyết tâm tạo ra công nghệ mang lại lợi nhuận trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng cho đến điện thoại di động.

Ngoài ra, xây trạm điện hạt nhân nổi cũng giúp hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt. Điều này phục vụ cho mục đích bảođảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Trung Quốc là một trong những nước tích cực xây nhà máy điện hạt nhân nhất. Hiện nước này đang có 32 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, 22 nhà máy đang được xây dựng và nhiều dự án khác đang được xem xét.

Về công nghệ xây dựng và vận hành các nhà máy này, tuy vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ, Pháp và Nga nhưng Trung Quốc cũng đang tự phát triển công nghệ của riêng mình.

Dẫn đầu trong phát triển công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân là Tập đoàn Tổng năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNG) và Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC).

Cả hai đều đang tự nghiên cứu hoặc đã ký thỏa thuận trao đổi công nghệ với các công ty chuyên về công nghệ điện hạt nhân nước ngoài như Westinghouse Electric Co. (Mỹ), Électricité de France và Avena (Pháp).

CNG và CNNC đều tuyên bố sẽ phát triển 20 trạm điện hạt nhân nổi dùng công nghệ Trung Quốc.

Mô hình trạm điện hạt nhân nổi của Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) - Ảnh: CNNC

Giáo sư Lục Bỉnh Lâm (ĐH Hồng Kông), người từng làm việc với một công ty con của CNG về các dự án liên quan, cho biết:“Họ (Trung Quốc) rất quyết tâm phát triển trạm điện hạt nhân nổi vì họ có nhiều hoạt động khai thác dầu tại khắp nơi. Chiến lược của Trung Quốc là phải bảođảm khả năng cung cấp năng lượng cho đất nước. Khai thác dầu cần rất nhiều năng lượng, và với nguồn năng lượng cung cấp bởi các trạm điện hạt nhân nổi, côngviệc khai thác có thể tăng tốc”.

Cạnh tranh với Nga

Nga đã bắt đầu phát triển trạm điện hạt nhân nổi từ năm 2007. Tuy nhiên, dự án xây trạm điện hạt nhân nổi thương mại đầu tiên mang tên Academician Lomonosov đã bị trì hoãn nhiều lần (theo dự kiến sẽ giao vào năm 2018).

Theo chuyên gia Mark Hibbs của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, trong vòng hai thập kỷ qua, Nga đã có ý định triển khai trạm điện hạt nhân nổi như là một biện pháp cung cấp năng lượng cho những cộng đồng dân cư xa xôi..

Ông Hibbs cũng cho biết, Indonesia (quốc gia có đến 17.058 hòn đảo) từng là thị trường mục tiêu của Nga. Tuy nhiên, đã có lo ngại về khả năng kiểm soát nguyên liệu hạt nhân nên đã đề nghị phía Nga phải chịu trách nhiệm vận hành và thu hồi các nhiên liệu đã qua sử dụng.

Năm 2014, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng một trạm điện hạt nhân nổi sử dụng công nghệ của Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa chắc được tiếp tục thực hiện khi CNG và CNNC đều tuyên bố phát triển trạm điện hạt nhân nổi dùng công nghệ Trung Quốc.

Trước mắt, thay vì bán cho các công ty nước ngoài, khách hàng của CNG và CNNC có thể sẽ là các tập đoàn nhà nước trong ngành dầu khí Trung Quốc.

CNG đã ký hợp đồng hỗ trợ khai thác dầu khí với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc.CNG cho biết, trạm điện hạt nhân nổi đầu tiên sẽ được giao vào năm 2020 và hơn 20 trạm sẽ được xây dựng sau đó.

Mối nguy hiểm di động

Giáo sư Lục cho biết sẽ rất lãng phí nếu chỉ dùng các trạm điện hạt nhân nổi cho mục đích cung cấp điện. Các trạm điện này còn có thể cung cấp nhiệt lượng và nước sạch cho hoạt động khai thác dầu khí.

Ông Lục cũng tiết lộ các trạm điện hạt nhân nổi của Trung Quốc được thiết kế để dùng cho các đảo và vùng dân cư xa xôi.

Mặc dù công bố sẽ xây dựng 20 trạm điện hạt nhân nổi nhưng CNG và CNNC đều không cho biết rõ các trạm điện này sẽ được triển khai đến vùng biển nào.

Trước đây, Trung Quốc đã từng thực hiện hành vi thăm dò dầu khí phi pháp tại khu vực gần bờ biển Việt Nam. Năm 2014, Trung Quốc còn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa.

Các lò phản ứng hạt nhân đã được sử dụng trên tàu chiến từ những năm 1950 nhưng cáctàu này thường phải cập cảng bảo dưỡng và phải trang bị nhiều vũ khí để tự bảo vệ.

“Các lò phản ứng hạt nhân di động rõ ràng là mục tiêu ưa thích của các cuộc tấn công quân sự hay khủng bố”, chuyên gia hạt nhân Edwin Lyman cho biết.

Hai mối đe dọa khác cho các trạm điện nổi chính là các cơn bão lớn từ các vùng biển như Biển Đông và khó khăn trong việc trao đổi nguyên liệu phóng xạ khi được triển khai đến các vùng xa xôi.

Mặc dù CNG cho biết các trạm điện hạt nhân nổi sẽ có chức năng tự vận hành nhưng theo chuyên gia Lyman thì chức năng này không bảođảm các trạm điện sẽ an toàn khi tiến vào các vùng có điều kiện khắc nghiệt.

Cũng theo CNG, các trạm điện sẽ chỉ được tiếp liệu một lần trong mỗi 3 năm thay vì 18 tháng. Điều này sẽ đòi hỏi phải cung cấp nhiều nguyên liệu hạt nhân đã được làm giàu hơn.

“Sẽ là thảm họa nếu các trạm này bị khủng bố hoặc ai đó chiếm giữ”, giáo sư Lục cho biết.

Trong quá trình theo đuổi kế hoạch xây trạm điện hạt nhân nổi, Trung Quốc đã không ngần ngại vi phạm pháp luật.

Vào tháng 4.2016, Allen Ho, một kĩ sư của CNG, đã bị cáo buộc tuyển dụng các chuyên gia Mỹ giúp xây dựng lò phản ứng mà không xin phép chính phủ Mỹ.

Trong một thỏa thuận ký năm 2007, Westinghouse đã chuyển giao công nghệ lò phản ứng AP1000 cho Công ty Kĩ thuật điện hạt nhân Trung Quốc (SNPTC).

Dựa trên AP1000, CGN đã phát triển ACPR50 (60 megawatt) để trang bị cho các trạm điện hạt nhân nổi của mình.

Cẩm Bình (theo Associated Press)
Bài liên quan
Triều Tiên phản ứng trước sự mở rộng ‘ô hạt nhân’ của Mỹ
Trong bối cảnh mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng sâu sắc, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, gọi đây là một "liên minh hạt nhân" đang làm gia tăng sự bất ổn tại khu vực hâu Á - Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
4 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vọng trạm điện hạt nhân nổi của Trung Quốc gặp rắc rối lớn