Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Thu Anh | 07/10/2021, 21:53

Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản.

Ngày 7.10.2021, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận.

Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam (sau vải thiều Lục Ngạn) được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh

Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể nói như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Theo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Nhật Bản vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.

Theo đó, ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kỹ thuật của hồ sơ đơn, khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

thanh-long-binh-thuan-chinh-thuc-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-tai-nhat-ban.jpg
Thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật 

Để đẩy nhanh tiến độ và đáp ứng các yêu cầu đề ra, Cục sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, đã bổ sung tài liệu chứng minh; đồng thời tìm kiếm các tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, tiến hành thống nhất với phía Nhật Bản và Sở KH-CN Bình Thuận lựa chọn đơn vị thực hiện cập nhật phân tích đặc tính sản phẩm thanh long Bình Thuận, khảo sát ý kiến người tiêu dùng, nhà phân phối thanh long Bình Thuận làm cơ sở chứng minh cho đánh giá xã hội đối với đặc tính của sản phẩm.

Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối, và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản, cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường này.

Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước khác nói chung.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định: “Việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh sản phẩm này đến với thị trường Nhật Bản. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình”.

thanh-long-binh-thuan-chinh-thuc-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-tai-nhat-ban-2-.jpg
Thanh long Bình Thuận

Quản lý chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ - thách thức lớn

Song song đó, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.

Theo phân tích từ ông Đinh Hữu Phí, khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát.

Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và Hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, sẽ góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Thuận cũng cho biết thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến, như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo…

Tuy nhiên, theo phía Sở KH-CN Bình Thuận, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi, không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.

Hiện có 5 đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là 5 nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản, bao gồm huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và TP.Phan Thiết.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương.

Ngoài ra, còn giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận.

Tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long…

Bài liên quan
Cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm nam núi Dành
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là sâm quý, có nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản