57 căn biệt thự bề thế không phép mọc lên, cấp xã nhiều lần kiến nghị xử lý nhưng cấp trên làm ngơ.

Thêm sai phạm gây rúng động ở Ba Vì

Một Thế Giới | 05/03/2016, 05:38

57 căn biệt thự bề thế không phép mọc lên, cấp xã nhiều lần kiến nghị xử lý nhưng cấp trên làm ngơ.

Khi dư luận còn chưa hết bức xúc với những sai phạm tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (Hà Nội) thì cách đó không xa, một khu resort khác với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được chính quyền xã xác nhận là không có giấy phép và đã xây dựng hoàn thành từ nhiều năm qua.
Có dấu hiệu được dung túng
Khu nghỉ dưỡng này thuộc khu Rừng Mu nằm dưới chân núi Ba Vì, diện tích khoảng 4,8 ha. Khi đối chiếu với bản đồ đang lưu giữ tại xã Yên Bài thì phần lớn nguồn gốc đất của khu nghỉ dưỡng nêu trên là đất khai hoang, chỉ có hơn 1 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ dân vào năm 2010.
Thống kê của UBND xã Yên Bài cho thấy chủ đầu tư đã cải tạo và xây mới 57 căn biệt thự theo hình thức nhà 3 gian kiểu kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ, trồng cây ăn quả. Công trình bị UBND xã Yên Bài lập biên bản vi phạm hành chính về việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà không có giấy phép...
Từ năm 2012, khu nghỉ dưỡng này đã được chủ đầu tư là Công ty CP Thăng Long Xanh quảng cáo là nơi hội tụ đầy đủ những nét thiên nhiên của làng quê Bắc Bộ. Theo người dân địa phương, Điền Viên thôn đã đón khách du lịch từ nhiều năm qua, chủ đầu tư cũng rao bán các căn biệt thự 2 tầng và các nhà kiểu 3 gian truyền thống với giá trên 1 tỉ đồng/căn. Điều đáng nói, dù UBND xã Yên Bài nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND huyện Ba Vì.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, ông Nguyễn Quốc Huy, khẳng định đất ở Điền Viên thôn khai hoang chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được phép xây dựng nhà kiên cố. Còn ông Nguyễn Văn Luyện, cán bộ địa chính xã Yên Bài, cho biết xã đã nhiều lần phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, đề nghị các đơn vị cấp điện, cấp nước dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trong thời hạn 24 giờ; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu vào xây dựng công trình vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành. Trước sự ngoan cố này, ngày 23.1.2015, UBND xã Yên Bài có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Ba Vì báo cáo việc xử lý như trên và đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo Công ty Điện lực Ba Vì ngừng cấp điện. Tuy nhiên, khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn vẫn được cấp điện bình thường. Theo ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, lý do chậm xử lý vụ việc Điền Viên thôn là do trưởng đoàn thanh tra của huyện ốm, phải điều trị kéo dài, còn ông phó đoàn thì đã chuyển công tác khác (?!)
Tạm đình chỉ chức vụ giám đốc VQG nếu...
Chiều 4.3, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc tôn tạo, xây dựng tại khu Cos 600 m trong phân khu hành chính dịch vụ I tại VQG Ba Vì.
Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo thành lập ngay đoàn thanh tra cụ thể việc tôn tạo, xây dựng các công trình tại khu vực độ cao Cos 600 m và toàn bộ các hợp đồng liên kết để tổ chức du lịch sinh thái tại VQG Ba Vì; kết luận rõ đúng, sai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để giải quyết triệt để; tạm đình chỉ công tác điều hành của Giám đốc VQG Ba Vì và các cán bộ liên quan nếu có dấu hiệu tham nhũng hoặc cản trở công tác thanh tra (giám đốc VQG Ba Vì hiện nay là ông Nguyễn Phi Truyền).
Trước đó, như đã đưa tin, căn cứ công văn ngày 1.7.2008 của Bộ NN-PTNT về việc đồng ý chủ trương liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại VQG Ba Vì, ngày 22.8.2008, Giám đốc VQG Ba Vì, ông Đỗ Khắc Thành, ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) do ông Lương Ngọc Anh làm giám đốc. Theo hợp đồng, VQG Ba Vì bàn giao 53 ha tại Cos 600 m - 700 m và 3,05 ha tại Cos 800 m để CFTD xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng trong thời hạn 53 năm (từ ngày 10.9.2008). Trong đó có 3 năm xây dựng và thời hạn liên kết kinh doanh là 50 năm (từ ngày 10.9.2011). Đổi lại, CFTD trả cho VQG Ba Vì phí đóng góp ban đầu là 200 triệu đồng; tiền bù đắp lợi ích khi triển khai xây dựng là 300 triệu đồng; tiền thuê đất là 150 triệu đồng/năm trong 50 năm. Như vậy, tổng số tiền mà VQG Ba Vì được hưởng trong vòng 50 năm vỏn vẹn chỉ 8 tỉ đồng.
Từ ngày 8.3, đoàn thanh tra của huyện Ba Vì sẽ cùng UBND xã Yên Bài kiểm tra các sai phạm tại Điền Viên thôn và trước mắt huyện đã yêu cầu đình chỉ xây dựng các biệt thự xây không phép này.
Văn Duẩn - Người lao động
Bài liên quan
TP.HCM: Phát hiện nhiều sai phạm tại điểm bán thuốc của Công ty dược phẩm NH Pharma
Cơ quan chức năng vừa ra quyết định xử phạt và tiêu hủy thuốc tại một điểm kinh doanh của Công ty TNHH dược phẩm NH Pharma do có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm sai phạm gây rúng động ở Ba Vì