Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường ĐH về phương án tuyển sinh từ năm 2025 sẽ khắc phục những bất cập.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở đào tạo năm học 2025 là hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, đặc biệt lưu ý hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Các cơ sở xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên cần chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai hiệu quả. Đặc biệt các cơ sở đào tạo công lập tiếp tục thực hiện có hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất với dự án thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở cần đẩy mạnh tự chủ tài chính, thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo quy định hiện hành; nghiêm túc thực hiện các khoản thu - chi tài chính, chính sách học phí, học bổng, khuyến khích học tập và chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên theo đúng quy định.
Năm 2025 cũng sẽ là năm đầu tiên các học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nên giảm số môn thi bắt buộc thay vào đó là đổi mới cách thức tổ chức thi, giảm áp lực cho người học.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương án Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay, môn Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để học sinh nhớ về Lịch sử và yêu thích môn học này không phải bằng cách đưa môn học vào thi tốt nghiệp mà nên thay đổi cách dạy thế nào để các em thích học.
“Quan trọng là ý thức, thái độ người học và người thầy dạy thế nào, cách dạy ra sao chứ không phải dùng điểm số để học sinh yêu nước hơn” - ông Lâm chia sẻ.
Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện giai đoạn 2025 - 2030, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030: phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.