Trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4.2020, thị trường bất động sản TP.HCM gần như bị đóng băng. Các giao dịch mua bán nhà và doanh thu sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Tuy nhiên, giá nhà ở vẫn không giảm.

Thị trường địa ốc ‘đóng băng’, giá nhà ở vẫn không giảm

21/04/2020, 11:11

Trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4.2020, thị trường bất động sản TP.HCM gần như bị đóng băng. Các giao dịch mua bán nhà và doanh thu sụt giảm mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Tuy nhiên, giá nhà ở vẫn không giảm.

Giá nhà ở vẫn chưa giảm - Ảnh: P.D

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do ảnh hưởng của đại dịch CoVID-19, trong quý 1/2020, trên cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường, bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho. Mặc dù vậy, tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, ông Châu cho biết giá nhà ở nhìn chung chưa giảm. Thị trường cũng đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trên cả nước phải ngừng hoạt động.

Thông tin nghiên cứu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho thấy, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng đến 94,1%. Đồng thời số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI quý 1/2020 của cả nước đạt 8,55 tỉ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4.

TP.HCM cũng chỉ thu hút 310,82 triệu USD, giảm đến 58,32% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ chiếm 3,6% tổng nguồn vốn FDI cả nước. Trong đó, ngành xây dựng bất động sản chỉ thu hút được 35 triệu USD, chiếm 11,3%, đứng vị trí thứ 2.

Trong quý 1/2020, TP.HCM cũng có đến 1.523 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề bị giải thể, tăng 54,5% và 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; hơn 7.000 lao động bị ngừng việc tạm thời hoặc bị chấm dứt hợp đồng và dự kiến có khoảng 70.000 lao động (phần lớn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa) sẽ bị tác động trong những tháng sắp tới.

Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội làm các ngành dịch vụ giảm rất mạnh, kể cả lĩnh vực bất động sản. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ (quý 1/2019 tăng đến 7,64%), đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

“Thị trường bất động sản thành phố quý 1/2020 chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.

Trong tình thế khó khăn hiện nay, có những tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, điển hình như Vingroup, Hưng Thịnh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, như hoãn thông báo thu tiền mua nhà theo hợp đồng, tặng voucher, tặng chiết khấu khi bán nhà hoặc thanh toán tiền mua nhà, giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong một thời gian… Cũng có các doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách hàng đến khi bàn giao nhà.

Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng, nhất là tháng 3 và nửa đầu tháng 4 gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.

Tuy nhiên, đại dịch CoVID-19 cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản trong 2 năm 2018, 2019 cũng là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn kiểu chụp giật”, ông Châu nhìn nhận.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường địa ốc ‘đóng băng’, giá nhà ở vẫn không giảm