Trang Local của Đức vừa có bài Thủ tướng Scholz'phát cáu' trước sự hắt hủi của Kyiv với tổng thống Đức. Sự hắt hủi này được cho là khá thực dụng khi ở Đức, Tổng thống chỉ là chức lễ nghi còn Thủ tướng mới nắm thực quyền.
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết ông "phát cáu" trước việc Kyiv từ chối chuyến thăm được đề xuất của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một hành động khinh thường đã làm Đức xù lông ngoại giao vào thời điểm Ukraine đang tìm kiếm thêm vũ khí từ Berlin.
Ukraine chỉ coi trọng Thủ tướng Đức, phớt lờ Tổng thống Đức
Theo một báo cáo trên tờ Bild của Đức, Tổng thống Steinmeier đã lên kế hoạch đến Kyiv với các tổng thống của Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan vào 13.4. Tuy nhiên, yêu cầu việc sắp xếp một cuộc gặp của ông đã bị Tổng thống Zelenskiy từ chối.
Vào chiều 12.4, Steinmeier dường như xác nhận rằng yêu cầu của ông về một cuộc gặp với Zelenskiy ở Kyiv đã bị phía Ukraine từ chối cho dù Tổng thống Đức muốn tới Kyiv để “gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết của châu Âu với Ukraine”.
Một nhà ngoại giao Ukraine giấu tên nói với Bild: “Tất cả chúng ta ở đây đều biết mối quan hệ chặt chẽ của Steinmeier với Nga, cũng được đánh dấu bằng công thức Steinmeier. Ông ấy hiện không được chào đón ở Kyiv. Chúng tôi sẽ xem liệu điều đó có thay đổi vào một ngày nào đó hay không”.
Dường như Kyiv cũng không hề để tâm rằng Tổng thống Steinmeier gần đây đã "hối lỗi" khi thừa nhận sự thất bại trong chiến lược quan hệ phương Tây với Moscow trong quá khứ. Ông nói tại Berlin vào ngày 4.4: “Việc tôi gắn bó với dự án đường ống biển Nord Stream 2, đó chắc chắn là một sai lầm. Chúng tôi đã duy trì những cầu nối mà Nga không còn tin tưởng và các đối tác đã cảnh báo chúng tôi”.
Thay vào đó, Tổng thống Ukraine cho biết họ muốn chào đón Thủ tướng Scholz đến Kyiv, nhưng thủ tướng Đức vừa cho biết ông không có kế hoạch đến thăm Kyiv sớm.
Khi được hỏi bao giờ sẽ theo chân các nhà lãnh đạo EU khác và tới Kyiv, Thủ tướng Scholz đã né tránh câu hỏi và nhấn mạnh là ông “rất thường xuyên” điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Scholz cho biết ông “bị kích ứng”, đồng thời lưu ý rằng Steinmeier đã lên án mạnh mẽ hành động của Nga tại Ukraine và cho rằng: “Sẽ rất tốt nếu đón chào ông ấy”.
Đến 13.4, Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych nói với đài truyền hình Đức ZDF rằng Zelensky không có ý định xúc phạm Berlin.
“Tôi nghĩ quan điểm chính thì khác - tổng thống của chúng tôi mong đợi thủ tướng, để ông ấy (Scholz) có thể đưa ra các quyết định thực tế trực tiếp, gồm cả việc giao vũ khí”.
Sở dĩ Ukraine nói vậy vì tại Đức, Tổng thống chủ yếu đóng vai trò nghi lễ trong khi thủ tướng đứng đầu chính phủ mới nắm thực quyền.
Cố vấn Arestovych cho biết số phận của thành phố cảng chiến lược Mariupol và miền đông Ukraine "phụ thuộc vào vũ khí Đức mà chúng tôi có thể nhận được", nhưng điều đó chưa được Đức hứa hẹn.
Vị cố vấn này còn nhắc lại sự tàn phá Berlin năm 1945 không khác gì quân đội Nga đang làm ở Ukraine.
Áp lực trong lòng nước Đức
Cuộc tranh cãi diễn ra khi Scholz đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trước hoạt động quân sự của Nga.
Scholz, cũng như Steinmeier là người của đảng Dân chủ Xã hội, ban đầu đã hứa hẹn đầy ấn tượng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đức, bao gồm cả việc gia tăng lớn chi tiêu quân sự.
Nhưng cho đến nay, Scholz đã quay lưng không chịu gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine với lý do "lịch sử". Đức cho đến nay mới chỉ gửi vũ khí phòng thủ bao gồm vũ khí chống tăng, bệ phóng tên lửa và tên lửa đất đối không.
Lập trường trên đã làm gia tăng căng thẳng trong chính phủ của Scholz, khi các bộ trưởng từ đảng Xanh trong liên minh cầm quyền thúc giục giao thêm vũ khí cho Ukraine.
Marie-Agnes Strack-Zimmermann, người đứng đầu ủy ban quốc phòng tại Hạ viện và là nhân vật số 2 của đảng Dân chủ Tự do, đảng thứ ba trong liên minh cho biết: “Chỉ có một người có thể quyết định và đó là Thủ tướng Olaf Scholz”.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ Xã hội phản đối việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, cảnh báo về một vòng xoáy leo thang.
Nghị sĩ Joe Weingarten nói với nhật báo Die Welt: “Nếu chúng ta giao vũ khí hạng nặng, thì chúng ta sẽ nhanh chóng phải đối mặt với câu hỏi liệu các chuyên gia của Đức hoặc tình nguyện viên từ Đức có tham gia vận hành các hệ thống vũ khí khi cần thiết hay không?”.