Để chấm dứt tranh cãi trong chính phủ, Thủ tướng Đức ra lệnh toàn bộ 3 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tiếp tục vận hành đến tháng 4.2023.
Để chấm dứt tranh cãi nội bộ trong chính phủ liên minh 3 đảng, Thủ tướng Đức ra lệnh toàn bộ 3 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tiếp tục vận hành đến tháng 4.2023.
Thủ tướng Olaf Scholz - thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dùng quyền lực để yêu cầu các Bộ Kinh tế, Môi trường và Tài chính lập cơ sở pháp lý để duy trì vận hành 3 nhà máy ĐHN.
Trong thư gửi các bộ trưởng ngày 17.10, ông viết: “Cơ sở pháp lý sẽ được lập, để cho phép vận hành các nhà máy ĐHN Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland sau ngày 31.12.2022 đến 15.4.2023”.
Thủ tướng Scholz cũng yêu cầu các Bộ trình một bộ luật nhằm tăng cường hiệu quả năng lượng, và một thỏa thuận chấm dứt vận hành nhà máy nhiệt điện than từ năm 2030.
Chính phủ Đức cũng đang khuyến khích sản xuất điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, và xây mới các nhà máy điện chạy bằng hydrogen.
Tranh cãi giữa hai đảng trong chính quyền liên minh
Việc lãnh đạo Đức dùng quyền nhằm chấm dứt rạn nứt giữa các thành viên đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), hai đối tác trong chính phủ liên minh.
Đảng Xanh chống hạt nhân, đã đồng ý đặt hai nhà máy Isar2 và Neckarwestheim 2 ở miền nam Đức vào chế độ chờ, nhằm làm phương án dự phòng tới ngày 15.4.2023.
Nhưng đảng Xanh muốn đóng cửa nhà máy ĐHN Emsland tại bang Hạ Sachsen từ ngày 31.12.2022.
Trong khi đó, đề xuất của FDP là duy trì vận hành của cả ba nhà máy cho đến năm 2024. Vài thành viên FDP cũng kêu gọi mở lại 3 nhà máy ĐHN khác (đã đóng cửa hồi năm 2021) để đối phó tình trạng giá năng lượng cao và có nguy cơ bị mất điện.
Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann thuộc FDP hoan nghênh quyết định tạm gia hạn hoạt động 3 nhà máy ĐHN của Thủ tướng Scholz. Ông viết Twitter: “Ý thức chung chiếm ưu thế. Điều này tăng sức mạnh cho đất nước chúng ta, vì nó đảm bảo ổn định thêm lưới điện và giữ giá điện ở mức thấp hơn.
Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke thuộc đảng Xanh hứa Đức sẽ chấm dứt sử dụng ĐHN từ cuối tháng 4.2023.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Robert Habeck thuộc đảng Xanh, nói ông chấp nhận sự thật là ông Scholz có quyền gạt bỏ các quan điểm của những thành viên khác trong chính phủ.
Ông từng nói việc duy trì hoạt động của 3 nhà máy ĐHN không giải quyết được nhiều tình trạng thiếu khí đốt.
Ông Habeck cũng từng phản đối ý tưởng kéo dài hoạt động của 2 nhà máy Isar 2 và Neckarwestheim 2 lâu hơn, vì lo ngại sự an toàn của các nhà máy này.
Sau đó, FDP tăng áp lực duy trì hoạt động của cả ba nhà máy, với Bộ trưởng Tài chính Chistian Lindner nói vẫn cần cả ba “để giảm giá và ngăn mất điện”.
Ông Lindner viết Twitter hôm 17.10: “Vì quyền lợi chung của đất nước và nền kinh tế, chúng ta duy trì toàn bộ khả năng sản xuất năng lượng trong mùa đông này. Hôm nay, Thủ tướng đã tạo ra sự rõ ràng”.
Tuy nhiên, đồng thủ lĩnh đảng Xanh là Ricarda Lang chỉ trích quyết định của Thủ tướng Đức, nói không cần thiết duy trì nhà máy ĐHN Emsland vì nó không đáp ứng yêu cầu ổn định lưới điện.
Tiếp tục vận hành nhà máy ĐHN là “quyết định vô trách nhiệm”
Nhóm vận động hành lang công nghiệp năng lượng BDEW (Đức) hoan nghênh quyết định tạm lùi kế hoạch ngưng sử dụng ĐHN của Thủ tướng Scholz.
BDEW kêu gọi chính phủ Đức nhanh chóng ban hành các quyết định cần thiết, để đảm bảo cung cấp năng lượng rẻ tiền và thân thiện môi trường trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhưng Hòa Bình Xanh chỉ trích quyết định trên, nói các vụ nghi tấn công gần đây vào các tuyến ống dẫn khí đốt cùng cơ sở hạ tầng đường sắt càng làm tăng rủi ro cho các lò phản ứng hạt nhân của Đức.
Tổ chức bảo vệ môi trường này lên tiếng: “Vào thời chiến tranh ủy nhiệm, chớ nên vận hành các nhà máy ĐHN lâu hơn, và việc tiếp tục vận hành chúng là một quyết định hoàn toàn vô trách nhiệm”.
EnBW, công ty vận hành nhà máy ĐHN Neckarwestheim 2 cảnh báo: chính quyền Đức cần “thật nhanh” đảm bảo cơ sở pháp lý khi gia hạn thời gian vận hành của nhà máy này, nếu không thì sẽ vẫn thực hiện kế hoạch nhà máy ĐHN từ ngày 31.12.2022.
Công ty vận hành nhà máy ĐHN Isar 2 là E.ON, hồi tháng 9 đã nói sẽ tiếp tục hoạt động sau khi sửa các van áp suất.
Công ty điện lực lớn nhất Đức là RWE, nói sẽ lập tức bắt đầu chuẩn bị gia hạn vận hành nhà máy ĐHN Emsland cho đến tháng 4.2023.
Các chuyên gia nói các nhà máy ĐHN nói chung vẫn cần để duy trì ổn định lưới điện, vào lúc nhu cầu sử dụng điện cao. Ngay cả Pháp có nhiều lò phản ứng hạt nhân cũng phải đối mặt những vấn đề trong năm nay.
Kế hoạch ngưng dùng ĐHN của Đức bị đảo lộn
Từ năm 2000, chính phủ liên minh SPD và đảng Xanh từng kế hoạch ngưng sử dụng ĐHN, trong nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vốn an toàn và rẻ tiền hơn.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, chính phủ Đức thời Thủ tướng Angela Merkel (đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo-CDU) đã lập kế hoạch đóng cửa một số nhà máy ĐHN, kể từ ngày 31.12.2022.
Kế hoạch này được lập, sau khi xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy ĐHN Fukishima của Nhật hồi năm 2011.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt, làm đảo lộn kế hoạch của Đức và buộc nước này phải lùi kế hoạch đóng cửa 3 nhà máy ĐHN từ cuối năm nay qua năm 2023, sau khi giá điện tăng cao đáng kể, cùng việc Nga cắt nguồn cung khí đốt qua tuyến ống dẫn khí Nord Stream 1.
Hiện tại, Đức gấp rút bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, trong lúc sắp đến mùa đông được cho là sẽ lạnh hơn. Đức đang khởi động lại một số nhà máy nhiệt điện than vốn đã được đóng cửa từ nhiều năm trước.
Các nhà hoạt động cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu đã lên tiếng, rằng “sẽ là một sai lầm cho Đức ngưng vận hành các nhà máy ĐHN”, nếu cách này có nghĩa Đức đốt nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn và làm trái đất nóng dần lên.
“Việc chú trọng vào than khi đã có ĐHN là một ý tưởng rất tệ”, là ý kiến của Greta Thunberg, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường người Thụy Điển.
Cô gái 19 tuổi từng gây cảm hứng cho phong trào giới trẻ bảo vệ môi trường, khi Thunberg một mình thực hiện cuộc phản đối ở bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Điển hồi năm 2018.
Ngày 12.10, khi đài ARD hỏi liệu sẽ tốt hơn cho trái đất nếu Đức duy trì hoạt động của 3 nhà máy ĐHN còn lại, Thunberg đáp: “Nếu chúng ta đã để chúng hoạt động, thì tôi cảm thấy đó là một sai lầm nếu chấm dứt vận hành nhằm chú trọng nhiều vào than”.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng cảnh báo: Đức có nguy cơ phá hỏng mục tiêu kéo giảm tình trạng biến đổi khí hậu khi đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, trong khi các nghị sĩ bảo thủ nói chính phủ Đức phải sử dụng mọi điều kiện hiện có để phát điện, vào lúc tình hình cung cấp năng lượng bị hạn chế và giá cao hơn.