Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được chỉ định làm Trưởng ban Chỉ đạo. Mục đích của việc lập Ban Chỉ đạo là để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vướng mắc, tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp lớn thuộc ngành công thương.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các văn bản liên quan để xử lý nhữngvướng mắc, khó khăn; đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tình hình nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến từng dự án để đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án;nghiên cứu vận dụng nhữngquyđịnh linh hoạt trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt nhất thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Song song đó là việc rà soát và đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chi phí sản xuất giảm giá thành sản phẩm; đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án.
Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các bộ ngành, các tập đoàn, tổng công ty đánh giá kỹ hơn, rõ hơn toàn bộ dự án từ chủ trương đến việc thực hiện đầu tư, vận hành dự án, đặc biệt về công nghệ để xem xét tính đồng bộ của công nghệ, thiết bị sử dụng, đội ngũ cán bộ quản lý dự án, chất lượng nhà thầu; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà thầu chậm tiến độ, không đúng cam kết; kiểm tra lại sự phù hợp của tăng vốn đầu tư của từng công đoạn từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và đề xuất xử lý các vi phạm.
Đồng thời, Ban phải đề xuất Thủ tướng về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ thực trạng hoạt động, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp, dự án làm căn cứ xây dựng các phương án tái cơ cấu, xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp và làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quyđịnh của pháp luật.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 20.12.2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay đã phát hiện 12 dự án, nhà máy có vốn đầu tư lớn đang thua lỗ nặng. Ngoài 5 dự án thua lỗ đã biết, có thêm các dự án: Đạm Hà Bắc,Đạm DAP 1 Lào Cai,Đạm DAP 2 Hải Phòng,Ethanol Bình Phước,Ethanol Phú Thọ,Nhà máy đóng tàu Dung Quất (dự án này trước của Tập đoàn Vinashin, rồichuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí sau khi đã thua lỗ nặng nề - PV); dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnhviệc xử lý các dự án này phải tuân thủ nguyên tắc “kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nướcthua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nướckhông hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường” như Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã chỉ đạo.
Phó thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý và phấn đấu đến hết năm 2018 là cơ bản xử lý xong. Hướng xử lý sẽ là nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản… theo quy định của pháp luật. Nhà nước không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án.
Hoàng Long