Tối 28.7, Thủ tướng đã ký Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. TS Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm tổ trưởng.
Tổ tư vấn kinh tế sẽ có 14 thành viên. Cụ thể: PGS.TSTrần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ); TSVũ Thành Tự Anh (Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright); TSVũ Bằng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước); TSNguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương); GS.TS Trần Thọ Đạt (Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân); GS.TS Nguyễn Đức Khương (Phó giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp); PGS.TSVũ Minh Khương (Đại học quốc gia Singapore); TSTrần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM); TSTrương Văn Phước (Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia); GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam); GS.TS Trần Văn Thọ (Đại học Wasada, Nhật Bản); GS.TS Nguyễn Quang Thuấn (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư).
Tổ có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Tổ tư vấn kinh tế còn có nhiệm vụ phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng thời, Tổ sẽ tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước, quốc tế và tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo quyết định, Tổ tư vấn kinh tế được chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu; được đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu; được Văn phòng Chính phủ cung cấp thường xuyên các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.
Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.
Thành viên của Tổ tư vấn kinh tế được mời tham dự các hội nghị, cuộc họp, làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ.
Trước đó, ngày 5.10.1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính với 8 thành viên, trong đó tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; tổ phó là ông Trần Đức Nguyên - Trợ lý Phó thủ tướng Phan Văn Khải. Các thành viên có các chuyên gia Lê Đăng Doanh, Trần Việt Phương, Lê Đức Thúy, Nguyễn Trung, Vũ Quốc Tuấn, Đào Công Tiến.
Đến năm 1996, Tổ tư vấn cải cách được tổ chức lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính do ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm tổ trưởng.
Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chú trọng vấn đề này và ông đã nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Sau khi ông Trần Đức Nguyên nghỉ hưu, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá là tổ trưởng.
Sau đó, Thủ tướng kế nhiệm Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thành lập Tổ tư vấn của Thủ tướng (nhiệm kỳ 2011-2016) do ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại là nhóm trưởng, là đặc phái viên của Thủ tướng.
Hoài Phong