Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến taxi truyền thống, nhưng đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn.

Thủ tướng trả lời kiến nghị của ĐB Dương Trung Quốc về Uber, Grab

Trí Lâm | 21/07/2017, 19:14

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến taxi truyền thống, nhưng đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn.

7 đơn vị Việt Nam cung ứng dịch vụ tương tự Grab, Uber

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.

Văn bản nêu rõ, ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đề cập từ năm 2011, việc ứng dụng công nghệ đã và được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chú trọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.

Với xu thế tất yếu nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng.

“Việc này đúng với quy định của Luật Giao dịch điện tử. Qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải”, Thủ tướng nói.

Theo đó, việc thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.

“Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử”,Thủ tướng nêu.

Cũng theo Thủ tướng, việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố (Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh, phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình) qua đó đảm bảo được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.

Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxilớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car).

“Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ứng dụng hợp đồng điện tử là tất yếu

Theo Thủ tướng, qua việc đang triển khai thí điểm cho thấy Việt Nam đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước.

“Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”, Thủ tướng nêu.

Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng cho rằng các địa phương cùng các Bộ, ngành cũng cần xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời cần đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, qua đó ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện nội dung này theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.

“Với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, việc thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong vận tải, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…

Thủ tướng cho biết, mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như: Phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế...

Hoài Phong
Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng trả lời kiến nghị của ĐB Dương Trung Quốc về Uber, Grab