Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn.
Ngày 15.5 tại Hà Nội, Bộ KH-CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Thứ hai, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.
Thứ ba, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào? Các Trung tâm đổi mới sáng tạo của Bộ KH-CN, Bộ TT-TT suy nghĩ về việc này như thế nào?
Thứ tư, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin...
Rất nhiều đại biểu, chuyên gia quốc tế tham dự Hội nghị - Ảnh: TTXVN
Con người là trung tâm của sáng tạo
Theo Thủ tướng, sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo.
Thủ tướng cũng dẫn chứng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28).
Các lĩnh vực khoa học tự nhiên Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học luôn đạt vị trí top đầu ASEAN. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức KH-CN của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo; và đã đạt được kết quả tương xứng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng phải nhìn thẳng vào thực tiễn và nhìn những khuyết điểm tồn tại để thấy rằng phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập và chúng ta phải chủ động khắc phục. Cụ thể như hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún…
Hội nghị là điểm nhấn của Tuần lễ KH-CN và Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Chính sách, cơ chế phải thoáng
Theo Thủ tướng, chúng ta cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động KH-CN. Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đặc biệt đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu; muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở, sáng tạo và kịp thời.
Áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KH-CN và đổi mới sáng tạo; nhất là việc thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực.
Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển KH-CN và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu thút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Trình thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.
Thu Anh