Trong điều kiện cân đối ngân sách còn khó khăn, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí và triệt để tiết kiệm. Đặc biệt, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, tiếp khách, đi công tác…
Theo đó, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Theo Chỉ thị, năm 2016, sẽ ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ưu tiên bố trí chi ngân sách cho một số lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm. Đối với dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, Thủ tướng yêu cầu hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong, ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác. Dự toán chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với thực hiện năm 2015.
Đáng chú ý, đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, Chỉ thị yêu cầu các địa phương xây dựng dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn năm 2016 phải bảo đảm phù hợp với việc triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt kế hoạch, tiến độ thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất và nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, lập phương án bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản tương ứng để đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng.
Ngoài ra, sử dụng tối thiểu 10% tổng số tiền thu được từ sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu phải điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với việc nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả, khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Chính phủ đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Phan Diệu