Hôm 30.11, Thủ tướng Anh - Boris Johnson cho biết mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sẽ tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng từ biến thể Omicron ngay cả khi hiệu quả ngăn nhiễm vi rút bị giảm.

Thuốc điều trị cho ông Trump kém hiệu quả với Omicron, Thủ tướng Anh nói mũi vắc xin thứ 3 chống được ca nặng

Sơn Vân | 30/11/2021, 22:33

Hôm 30.11, Thủ tướng Anh - Boris Johnson cho biết mũi vắc xin COVID-19 tăng cường sẽ tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng từ biến thể Omicron ngay cả khi hiệu quả ngăn nhiễm vi rút bị giảm.

Ông Boris Johnson nói với các đài truyền hình: “Câu trả lời là ở khắp mọi nơi và luôn luôn là tiêm vắc xin vì chúng tôi nghĩ rằng rất có thể việc tiêm vắc xin tăng cường sẽ mang lại cho bạn nhiều sự bảo vệ hơn”.

Khi được hỏi về nhận xét của Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel rằng có khả năng hiệu quả của vắc xin hiện tại "sụt giảm nghiêm trọng" với Omicron, ông Boris Johnson nói Bancel "có thể đúng" nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là vắc xin sẽ hoàn toàn mất tác dụng.

Thủ tướng Boris Johnson cho hay: "Ông ấy không nói rằng điều này có nghĩa là vắc xin không còn hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong. Thế nhưng, chúng có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa sự lây truyền vi rút. Chúng tôi thấy một số bằng chứng từ Nam Phi cho thấy Omicron lây truyền giữa những người đã được tiêm vắc xin, nhưng không rõ ở mức độ nào rằng điều này có nghĩa bạn sẽ mắc bệnh nặng với Omicron".

thuoc-dieu-tri-cho-ong-trump-kem-hieu-qua-voi-omircon1.jpg
Thủ tướng Boris Johnson nói tiêm mũi vắc xin thứ 3 chống được ca nặng với Omicron

Đại học Oxford: Chưa có bằng chứng vắc xin sẽ không bảo vệ khỏi bệnh nặng do Omicron

Đại học Oxford (Anh) hôm 30.11 nói không có bằng chứng nào cho thấy vắc xin sẽ không ngăn ngừa được bệnh nặng từ Omicron, nhưng họ đã sẵn sàng cùng AstraZeneca phát triển nhanh chóng phiên bản cập nhật của vắc xin nếu cần thiết.

AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển loại vắc xin COVID-19 đã phân phối hơn 2 tỉ liều trên toàn cầu với giá rẻ (2,4 – 3 USD/liều).

Trước đó, Giám đốc điều hành Moderna nói rằng các vắc xin COVID-19 hiện tại có thể không hiệu quả đối với Omicron, vốn đang làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Đại học Oxford nói rằng có rất ít dữ liệu về Omicron cho đến nay và họ sẽ đánh giá cẩn thận tác động từ biến thể với vắc xin của họ, lặp lại một tuyên bố từ AstraZeneca vào tuần trước: "Bất chấp sự xuất hiện của các biến thể mới trong năm qua, vắc xin vẫn tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ rất cao chống lại các bệnh nghiêm trọng và đến nay không có bằng chứng cho thấy Omicron có bất kỳ sự khác biệt nào. Tuy nhiên, chúng tôi có các công cụ và quy trình cần thiết để phát triển nhanh chóng vắc xin COVID-19 cập nhật nếu cần thiết”.

REGEN-COV kém hiệu quả hơn với Omicron

Hãng dược Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ) cho biết hỗn hợp kháng thể COVID-19 của họ và các phương pháp điều trị kháng vi rút tương tự khác có thể kém hiệu quả hơn với biến thể Omicron.

Regeneron Pharmaceuticals cho biết các phân tích sâu hơn đang được tiến hành để xác nhận và định lượng tác động tiềm tàng này bằng cách sử dụng trình tự biến thể Omicron thực tế.

Sau thông báo này, cổ phiếu của Regeneron đã giảm 2,8% xuống mức 636 USD.

Regeneron Pharmaceuticals nói phân tích cho thấy các đột biến riêng lẻ có trong Omicron cho thấy "có thể giảm hoạt động trung hòa của cả khả năng miễn dịch do vắc xin và kháng thể đơn dòng tạo ra".

Phân tích dựa trên REGEN-COV, hỗn hợp kháng thể của Regeneron Pharmaceuticals từng được sử dụng để điều trị COVID-19 cho cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10.2020.

thuoc-dieu-tri-cho-ong-trump-kem-hieu-qua-voi-omircon(1).jpg
Ông Trump từng được điều trị bằng REGEN-COV khi mắc COVID-19 hồi tháng 10.2020

Các đối thủ của Regeneron Pharmaceuticals là Eli Lilly & Co và Vir Biotechnology, hai công ty cũng phát triển thuốc kháng thể COVID-19, không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học cho biết có thể mất nhiều tuần để hiểu liệu Omicron có khả năng gây bệnh nặng hoặc thoát khỏi sự bảo vệ từ khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra hay không.

Dù vậy, hôm 30.11, Trung tâm Y tế Sheba gần thành phố Tel Aviv (Israel) cho biết hai bác sĩ ở đây nhiễm Omicron đã được tiêm ba liều vắc xin Pfizer – BioNtech và đến nay mắc các triệu chứng COVID-19 nhẹ.

Các hãng đã chuẩn bị cho tình huống vắc xin hiện tại của họ kém hiệu quả hơn với biến thể Omicron. Một số công ty đã thông báo rằng đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin phù hợp với Omicron.

Tổng thống Putin cho cấp dưới một tuần để chuẩn bị kế hoạch ứng phó Omicron

Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã ra lệnh cho các quan chức chính phủ chuẩn bị kế hoạch hành động trong vòng một tuần tới để chống lại Omicron.

Ông Putin cho biết điều quan trọng là phải duy trì nguồn cung cấp thuốc, ôxy và giường bệnh.

Tổng thống Nga nói tại một diễn đàn đầu tư hôm 30.11: “Trước hết, cần phải liên tục theo dõi hiệu quả của các xét nghiệm và vắc xin, sử dụng các thuật toán rõ ràng để giảm sự lây nhiễm vi rút”.

Nga phải hứng chịu nhiều ca chết do COVID-19 nhất vào tháng 10 và buộc phải đóng cửa nơi làm việc trên toàn quốc kéo dài một tuần hồi đầu tháng 11, trước khi Omicron xuất hiện.

Số ca mắc COVID-19 và tử vong ở Nga đã giảm xuống khỏi đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Hôm thứ Ba, lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 đã báo cáo 33.860 ca mới với 1.209 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Nga đã ghi nhận hơn 9,6 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch với 275.193 người chết. Quốc gia này vẫn chưa báo cáo có trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Ông Puin cho biết Omicron đã đặt ra câu hỏi về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận lẫn nhau về vắc xin cùng giấy chứng nhận tiêm chủng.

Vắc xin Sputnik V của Nga vẫn đang chờ WHO phê duyệt.

Tổng giám đốc WHO kêu gọi các các nước thực hiện biện pháp hợp lý chống lại nguy cơ Omicron

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 30.11 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia đang áp dụng các biện pháp bao trùm nhắm vào biến thể Omicron mà theo ông là "không dựa trên bằng chứng hoặc hiệu quả của riêng họ" và đang trừng phạt các nước phía nam châu Phi quá nhanh.

Trong bài phát biểu trước 194 quốc gia thành viên của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước thực hiện "các biện pháp giảm thiểu rủi ro hợp lý, tương xứng" để phù hợp với Quy định Y tế Quốc tế năm 2005 của cơ quan này.

"Chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về tác động của Omicron với sự lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh và hiệu quả của các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trên trang web của WHO.

Bài liên quan
Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ đánh bại Omicron, Anh rút ngắn thời gian tiêm mũi vắc xin thứ 3
Anh sẽ cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho tất cả người lớn trong nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của mình trước mối lo ngại Omicron, vì đã có thêm 8 trường hợp nhiễm biến thể này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuốc điều trị cho ông Trump kém hiệu quả với Omicron, Thủ tướng Anh nói mũi vắc xin thứ 3 chống được ca nặng