Giám đốc điều hành của Moderna nói có thể hiệu quả vắc xin COVID-19 của hãng này chống lại Omicron không được như với Delta và các biến thể khác, làm dấy lên lo lắng mới trên thị trường tài chính về quỹ đạo của đại dịch.

CEO Moderna nói vắc xin có thể kém hiệu quả hơn với Omicron, Ấn Độ hỗ trợ châu Phi chống biến thể mới

Sơn Vân | 30/11/2021, 15:46

Giám đốc điều hành của Moderna nói có thể hiệu quả vắc xin COVID-19 của hãng này chống lại Omicron không được như với Delta và các biến thể khác, làm dấy lên lo lắng mới trên thị trường tài chính về quỹ đạo của đại dịch.

Vắc xin COVID-19 của Moderna được xem là loại tốt nhất hiện nay trong việc chống biến thể Delta lẫn lâu giảm hiệu quả hơn loại khác.

Khi đề cập đến biến thể Omicron, Giám đốc điều hành Moderna - Stéphane Bancel chia sẻ: "Tôi không nghĩ rằng hiệu quả vắc xin ở cùng mức độ mà chúng tôi đã làm với Delta. Tôi nghĩ đó sẽ là một sự sụt giảm hiệu quả. Tôi chỉ không biết là bao nhiêu vì chúng ta cần phải đợi dữ liệu, nhưng tất cả nhà khoa học mà tôi đã nói chuyện đều cho rằng… điều này sẽ không tốt".

Biến thể SARS-CoV-2 kháng vắc xin có thể dẫn đến nhiều ca COVID-19, nhập viện nhiều hơn và kéo dài đại dịch.

Ông Stéphane Bancel nói thêm rằng số lượng đột biến cao trên protein gai mà vi rút sử dụng để lây nhiễm sang các tế bào người đồng nghĩa là có khả năng vắc xin hiện tại sẽ cần được sửa đổi.

Trước đó, Giám đốc điều hành của Moderna nói trên đài CNBC rằng có thể mất vài tháng để bắt đầu xuất xưởng một loại vắc xin có tác dụng chống lại Omicron.

Nỗi sợ hãi về biến thể Omicron, mặc dù còn thiếu thông tin về mức độ nghiêm trọng của nó, đã gây ra sự chậm trễ với một số kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại và dẫn đến việc áp dụng lại một số hạn chế đi lại, di chuyển.

ceo-moderna-noi-vac-xin-co-the-kem-hieu-qua-hon-voi-omicron1.jpeg
Stéphane Bancel nói vắc xin hiện tại của Moderna có thể kém hiệu quả hơn với biến thể Omicron - Ảnh: Getty Images

Trước đó, Moderna cho biết có thể phát hành vắc xin COVID-19 cập nhật để chống lại Omicron vào đầu năm 2022.

"Chúng ta nên biết về khả năng bảo vệ của vắc xin hiện tại trong vài tuần tới. Nếu chúng ta phải sản xuất một loại vắc xin hoàn toàn mới, tôi nghĩ đó sẽ là đầu năm 2022 trước khi loại này thực sự được cung cấp với số lượng lớn", Giám đốc Y tế Moderna - Paul Burton chia sẻ.

Tin tức về một loại vắc xin cập nhật được đưa ra khi các nhà khoa học và quan chức y tế cảnh báo biến thể Omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, có thể dễ lây lan trên toàn thế giới. Nó đã lan sang Úc, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Israel, Ý, Hà Lan, Pháp, Canada, Bồ Đào Nha, Scotland, Áo, Tây Ban Nha, Hồng Kông và có thể nhiều nước khác, dẫn đến một loạt các hạn chế đi lại trên khắp châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ.

Trong đó, Nhật Bản, Israel, Ma Rốc và một số nước nữa đã ngừng tiếp nhận du khách quốc tế, dù mức độ nguy hiểm của Omicron vẫn chưa sáng tỏ hoàn toàn.

Ấn Độ hứa hẹn sẽ cung cấp thêm vắc xin COVID-19 cho châu Phi để chống lại Omicron

Ấn Độ cho biết sẵn sàng gửi thêm vắc xin COVID-19 đến châu Phi để giúp chống lại biến thể Omicron, sau khi Trung Quốc cam kết cung cấp 1 tỉ liều cho châu lục này.

Ấn Độ và Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia châu Phi. Trong đó, Trung Quốc đã bơm thêm tiền vào khu vực này và hôm 29.11 hứa đầu tư thêm 10 tỉ USD.

Ấn Độ cho biết đã cung cấp hơn 25 triệu liều vắc xin sản xuất trong nước cho 41 nước châu Phi, chủ yếu thông qua mạng lưới phân phối vắc xin toàn cầu COVAX.

"Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng ở châu Phi trong việc đối phó với biến thể Omicron, bao gồm cả việc cung cấp vắc xin Made in India. Việc cung cấp có thể được thực hiện thông qua COVAX hoặc song phương", Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Ấn Độ nói chính phủ đã tiếp nhận tất cả các đơn đặt hàng của COVAX với việc cung cấp vắc xin AstraZeneca cho các quốc gia như Malawi, Ethiopia, Zambia, Mozambique, Guinea và Lesotho, ngoài việc cung cấp các liều vắc xin Covaxin cây nhà lá vườn cho Botswana. Quốc gia Nam Á không cho biết đã phê duyệt bao nhiêu liều vắc xin gần đây.

"Bất kỳ đề nghị mới nào song phương hoặc thông qua COVAX sẽ được xem xét khẩn cấp", Ấn Độ cho biết, đồng thời hứa hẹn cung cấp thuốc cứu mạng người, bộ xét nghiệm, găng tay, bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân và thiết bị y tế như máy thở theo đề nghị.

Tháng trước, Ấn Độ đã nối lại các lô hàng vắc xin COVID-19 ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ tháng 4.2021 khi nước này cấm xuất khẩu để tiêm vắc xin cho công dân của mình khi tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng cao.

Sản lượng vắc xin trong nước đã tăng hơn gấp ba lần kể từ đó lên khoảng 300 triệu liều mỗi tháng. Quốc gia này đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 cho 83% trong số 944 triệu người trưởng thành và 47% người dân đã nhận 2 mũi.

Bài liên quan
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Nam Phi: Omicron dễ lây nhiễm ở người đã tiêm vắc xin và khỏi bệnh COVID-19
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết vắc xin COVID-19 hiện tại vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện do nhiễm biến thể Omicron.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO Moderna nói vắc xin có thể kém hiệu quả hơn với Omicron, Ấn Độ hỗ trợ châu Phi chống biến thể mới