Theo nghiên cứu mới do các nhà khoa học chính phủ Mỹ thực hiện, một mẫu máu được thu thập từ hươu đuôi trắng Mỹ vào năm 2019 cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm kháng thể với nhiễm trùng COVID-19.

Tìm thấy mẫu máu hươu đuôi trắng dương tính với COVID-19 vào 2019

Đan Thuỳ | 16/08/2021, 11:02

Theo nghiên cứu mới do các nhà khoa học chính phủ Mỹ thực hiện, một mẫu máu được thu thập từ hươu đuôi trắng Mỹ vào năm 2019 cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm kháng thể với nhiễm trùng COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm 3 mẫu dương tính từ hươu đuôi trắng vào tháng 1.2020 sau khi các ca mắc COVID-19 được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12.2019.

Nhà sinh vật học định lượng Susan Shriner thuộc Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã Quốc gia cho biết nhưng mẫu này được thu thập “rất sớm từ khi bắt đầu đại dịch” từ các quần thể hươu hoang dã ở các vùng khác nhau tại Mỹ. Thông tin này được đăng tải trong một bài báo tại bioRxiv.org vào ngày 29.7.2021.

Phát hiện này có thể “cung cấp thông tin cơ bản cho các quần thể được khảo sát trước khi mầm bệnh xuất hiện”, Shriner và các đồng nghiệp cho biết.

Nghiên cứu này chưa được đánh giá ngang hàng nhưng có những phát hiện gây bất ngờ.

Mục đích chính của nghiên cứu là tìm hiểu xem liệu con người có thể truyền vi rút sang cho động vật hoang dã hay không. Một cuộc khảo sát quy mô lớn do Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện vào đầu năm nay cho thấy gần một nửa số hươu đuôi trắng trong tự nhiên có thể đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19. Ở một số khu vực, tỷ lệ lây nhiễm lên tới 100%.

infographic-nhung-thong-tin-co-ban-ve-loai-huou-duoi-trang-2.jpeg
Hươu đuôi trắng - Ảnh: Internet

Để đảm bảo độ chính xác của phương pháp thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số mẫu được lưu trữ từ năm 2011 làm đối chứng và nhận thấy tất cả các kết quả đều âm tính trước năm 2019.

Nhiều trường hợp động vật nhiễm COVID-19 đã được báo cáo trên khắp thế giới nhưng chúng là vật nuôi hoặc động vật sống trong các trang trại có tiếp xúc gần với loài người và chỉ có kết quả dương tính sau khi phát hiện người tiếp xúc với chúng nhiễm COVID-19.

Shriner và các đồng nghiệp đã gửi mẫu máu đến một phòng thí nghiệm khác của chính phủ Mỹ để tiến hành các xét nghiệm bằng một phương pháp khác, song cũng cho ra kết quả tương tự.

Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết mẫu máu thu thập năm 2019 “có khả năng là dương tính giả”. Tuy nhiên, bài báo của Shriner không đưa ra tuyên bố như vậy và cô cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vẫn còn là điều bí ẩn và nhiều giả thuyết đã được đưa ra.

Ban đầu, người ta tin rằng căn bệnh quái ác này được bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra cho thấy một số trường hợp mắc COVID-19 trước đó đến từ những nơi khác trong thành phố.

Một số nhà khoa học đề xuất rằng một số loài động vật hoang dã ở Đông Nam Á có thể là vật chủ ban đầu. Một số chủng coronavirus tương tự đã được tìm thấy trên những con vật như dơi và tê tê. Thế nhưng, khoảng cách di truyền của chúng với phiên bản ở người quá xa, các vi rút có thể bị tách biệt trong nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

doi1206.jpeg
Một số loài động vật hoang dã như dơi và tê tê cũng được cho là vật chủ làm lây lan vi rút gây dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Hầu hết các nhà khoa học cho rằng dịch COVID-19 đến từ tự nhiên nhưng bằng chứng về lịch sử ban đầu về quá trình tiến hoá của vi rút vẫn còn khá khan hiếm.

Hệ thống miễn dịch của vật chủ tạo ra nhiều loại kháng thể sau khi nhiễm bệnh. Một số vẫn còn tồn tại trong cơ thể rất lâu sau khi vi rút biến mất. Shriner và các đồng nghiệp đang tìm kiếm sự hiện diện của một loại kháng thể có thể vô hiệu hoá SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19.

Thử nghiệm kháng thể không hoàn hảo. Đôi khi kháng thể do nhiễm một loại vi rút này tương tác với một loại vi rút khác, dù tác dụng có thể tương đối yếu. Để hạn chế nguy cơ dương tính giả ở mức tối thiểu, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu chỉ có thể công bố kết quả dương tính khi mẫu máu trung hoà 30% hoặc nhiều hơn với vi rút trong quá trình xét nghiệm.

Tỷ lệ trung hoà của mẫu máu năm 2019 chỉ đạt hơn 30% gây nên cuộc tranh luận về độ chuẩn xác. Tuy nhiên, một số mẫu dương tính khác được thu thập vào năm 2020 và 2021 cũng được tìm thấy gần với phạm vi đó.

Các nhà nghiên cứu đã cho các mẫu máu thu thập từ các con hươu chống lại vi rút nhân tạo mang cùng các protein đột biến như SARS-CoV-2. Họ cũng đã thử nghiệm chúng với các mẫu vi rút được thu thập từ người. Các thử nghiệm này đều cho kết quả tương tự nhau.

Nghiên cứu được dựa trên hơn 600 mẫu máu từ hươu được thu thập hầu hết trong năm nay. Dù nhóm nghiên cứu tại Mỹ không thảo luận về nguồn gốc của vi rút nhưng bài báo này đã gây chú ý tại Trung Quốc.

“Đây là một bước đột phá trong trọng trong việc truy tìm nguồn gốc của COVID-19”, trích lời của một chuyên gia được đăng trên tờ Science and Technology Daily.

virus-bbc-16131123566531067185132.jpeg
Nguồn gốc của  dịch COVID-19 vẫn đang là một thách thức lớn với những nhà khoa học  - Ảnh: Internet

Mẫu máu năm 2019 rất quan trọng vì trước đó các nhà khoa học chưa phát hiện thấy trường hợp nhiễm bệnh tương tự nào động vật hoang dã. Một chuyên gia cho biết hươu đuôi trắng có thể cung cấp bằng chứng hữu ích về cách thức vi rút lây nhiễm từ động vật sang người.

Xét nghiệm kháng thể trung hoà có độ chính xác cao hơn so với xét nghiệm kháng thể thương mại. Theo chuyên gia của chính phủ, yêu cầu về kết quả dương tính cao đến mức ngay cả mẫu máu của một bệnh nhân mắc COVID-19 cũng có thể trở thành âm tính.

Một nhà vi rút học tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết tỷ lệ trung hoà 30% là không cao nhưng chỉ một số mẫu trong kho lưu trữ của chính phủ Mỹ được thử nghiệm. Người này cho biết cần phải thử nghiệm nhiều hơn để tạo ra kết quả mang sức thuyết phục hơn.

Nhà vi rút học cũng cho biết hươu hoang dã không được chú ý nhiều trước đây vì hầu hết các nghiên cứu tập trung vào dơi hoặc động vật nuôi như mèo. Thế nhưng, một số nghiên cứu gần đây cho thấy hươu đuôi trắng có thể là vật chủ lây truyền vi rút.

“Thử nghiệm ở hươu là không đủ. Cũng cần phải kiểm tra các mẫu máu lưu trữ của những người dân sống gần chúng để giúp trả lời một số câu hỏi quan trọng, chẳng hạn như liệu có một số sự lây truyền ban đầu giữa động vật hoang dã và người khiến vi rút dễ dàng biến đổi trong cơ thể con người hay không”, nhà vi rút học cho biết.

Hơn một nửa hươu đuôi trắng ở Michigan nhiễm SARS-CoV-2

Kết quả phân tích mẫu huyết thành cho thấy 60% số lượng hươu đuôi trắng hoang dã ở bang Michigan đã
nhiễm SARS-CoV-2.

Tuyên bố trên được Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đưa ra vào hôm 28.7 sau khi hoàn thành một nghiên cứu phân tích các mẫu huyết thanh của hươu đuôi trắng hoang dã ở Mỹ để tìm kháng thể với SARS-CoV-2, vi rút gây ra COVID-19.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1.2020 đến nay, APHIS đã thu thập tổng cộng 481 mẫu hươu ở 32 quận của 4 bang Illinois, Michigan, New York và Pennsylvania, sau đó kiểm tra tại các phòng thí nghiệm dịch vụ thú y quốc gia và trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã của APHIS.

Kết quả các kháng thể với SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở 33% tổng số mẫu. Nếu tính riêng ở bang Michigan, số lượng hươu đuôi trắng mắc COVID-19 chiếm tới 60% quần thể. Con số này ở ba bang còn lại Pennsylvania, New York và Illinois lần lượt là 34%, 18% và 7%. Song không có quần thể nào được khảo sát có dấu hiệu mắc bệnh lâm sàng liên quan đến SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ có mục đích chính thống kê mức độ nhiễm SARS-CoV-2 của hươu đuôi trắng trong môi trường tự nhiên của chúng. Nó không được thiết kế để xác định xem loài thú móng guốc này có đang nhân bản và lây lan SARS-CoV-2 hay không.

"Không có bằng chứng cho thấy hươu nai đang đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan SARS-CoV-2 giữa người với người. Dựa trên thông tin có sẵn, nguy cơ hươu đuôi trắng lây SARS-CoV-2 sang người là rất thấp", APHIS cho biết.

Sự lây nhiễm trên diện rộng ở người với SARS-CoV-2, kết hợp với tương tác giữa con người và động vật hoang dã, tạo ra khả năng lây lan giữa người và động vật. Việc nghiên cứu động vật có vú nhạy cảm với vi rút giúp xác định các loài có thể là ổ chứa hoặc vật chủ tiềm năng cho SARS-CoV-2, cũng như dự đoán tác động của vi rút với động vật hoang dã và rủi ro lây truyền giữa các loài.

Không có gì bất ngờ khi phát hiện hươu đuôi trắng hoang dã nhiễm SARS-CoV-2 vì chúng đặc biệt nhạy cảm với vi rút và có nhiều ở Mỹ, thường xuyên tiếp xúc gần với người.

APHIS đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên bang và tiểu bang, bao gồm Bộ Nội vụ, CDC và Hiệp hội các Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã, để xác định bước tiếp theo.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm thấy mẫu máu hươu đuôi trắng dương tính với COVID-19 vào 2019