Trong bộ phim tài liệu mới, quan chức hàng đầu của WHO bày tỏ lo ngại về các tiêu chuẩn an toàn tại phòng thí nghiệm vi rút ở Vũ Hán, gần chợ hải sản Hoa Nam - nơi phát hiện những ca COVID-19 đầu tiên.

Quan chức WHO bày tỏ lo ngại về sự an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Hoàng Vũ | 15/08/2021, 14:47

Trong bộ phim tài liệu mới, quan chức hàng đầu của WHO bày tỏ lo ngại về các tiêu chuẩn an toàn tại phòng thí nghiệm vi rút ở Vũ Hán, gần chợ hải sản Hoa Nam - nơi phát hiện những ca COVID-19 đầu tiên.

Trong bộ phim tài liệu phát sóng trên kênh truyền hình TV2 của Đan Mạch vào hôm 12.8, người đứng đầu phái đoàn điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Peter Ben Embarek lưu ý một giả thuyết có khả năng xảy ra là nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã nhiễm vi rút khi đang làm việc trên thực địa và người này chính là “bệnh nhân số 0”.

Theo Embarek, nhà khoa học Trung Quốc có thể đã làm khởi phát dịch bệnh sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong quá trình thu thập mẫu vi rút trên loài dơi. Tuy nhiên, ông thừa nhận nhóm điều tra đã không tìm thấy bằng chứng nào về giả thuyết này.

"Ban đầu Trung Quốc không muốn đưa bất kỳ điều gì về phòng thí nghiệm Vũ Hán vào báo cáo bởi họ cho rằng việc rò rỉ vi rút từ phòng thí nghiệm là điều không có khả năng xảy ra, do đó không cần lãng phí thời gian vào giả thuyết này. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết đưa vào bởi đó là một phần của toàn bộ vấn đề nguồn gốc COVID-19", ông Embarek cho hay.

chuyen-gia-who.jpg
Người đứng đầu phái đoàn điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Peter Embarek - Ảnh: AP

Ông Embarek sau đó kể lại rằng, sau một cuộc thảo luận dài, cuối cùng phía Trung Quốc cũng đồng ý đưa giả thuyết vi rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào báo cáo nhưng "với điều kiện”: Các nhà điều tra “không khuyến nghị bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết đó".

Dù hầu hết mọi sự tập trung chú ý đều để dồn vào Viện Vi rút học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nhưng Embarek lưu ý rằng ông cũng lo ngại về phòng thí nghiệm thứ hai do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Vũ Hán điều hành, mới chuyển đến địa điểm mới cách chợ hải sản Hoa Nam - nơi phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên - khoảng 500m.

“Điều tôi lo ngại hơn cả là một phòng thí nghiệm khác cạnh chợ hải sản Vũ Hán cũng nghiên cứu vi rút ở loài dơi nhưng nhiều khả năng không có trình độ chuyên môn và các quy định an toàn nghiêm ngặt như Viện Vi rút học Vũ Hán. Khi chúng tôi đi khảo sát xung quanh phòng thí nghiệm này, tôi thấy cơ sở vật chất đều mới. Tôi hỏi phòng thí nghiệm này đã hoạt động bao lâu rồi và họ trả lời rằng vào ngày đầu tháng 12.2019”, Embarek nói.

Chuyên gia hàng đầu của WHO cũng lưu ý rằng, thời gian chuyển phòng thí nghiệm trùng với thời điểm các trường hợp mắc COVD-19 đầu tiên được ghi nhận. Theo ông, khi chuyển một phòng thí nghiệm, tất cả mọi thứ có thể sẽ bị xáo trộn trong đó có các mẫu vật vi rút. “Đó là lý do tại sao khoảng thời gian di chuyển và bản thân phòng thí nghiệm này gây lo ngại”, Embarek nhấn mạnh.

Giả thuyết của người đứng đầu phái đoàn điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 đưa ra khác rất nhiều so với báo cáo của nhóm do ông dẫn đầu được công bố hồi tháng 3. Báo cáo của WHO khi đó nêu rằng giả thuyết vi rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Báo cáo thậm chí còn chứng minh cho một giả thuyết do chính phủ Trung Quốc “quảng bá” rằng vi rút SARS-CoV-2 có thể đã lây lan qua bao bì hải sản đông lạnh.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thừa nhận vẫn còn quá sớm để loại trừ khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là nguồn của đại dịch COVID-19. Tháng trước, ông cho biết đã yêu cầu Trung Quốc cần cung cấp dữ liệu minh bạch hơn về những ngày đầu của đại dịch.

“Bản thân tôi là một nhà miễn dịch học. Tôi đã làm việc trong các phòng thí nghiệm và các tai nạn trong phòng thí nghiệm đã xảy ra. Đó là điều phổ biến”, ông Tedros nói.

Các nhà khoa học trước đây cũng đã từng đặt ra băn khoăn rằng, có nhiều trường hợp người nhiễm COVID-19 được báo cáo sớm nhất tại chợ hải sản Hoa Nam nhưng không có mối liên hệ nào với nhau trước đó, nên chợ có thể chỉ đơn giản là nơi vi rút lan truyền, chứ không phải là nơi đầu tiên phát tán.

Dù giả thuyết cho rằng đại dịch bắt đầu từ một phòng thí nghiệm đã bị bác bỏ phần lớn vào năm ngoái, nhưng gần đây, nó đã thu hút sự chú ý, với việc Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ báo cáo với ông trong vòng 3 tháng về nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 và ngày càng nhiều nhà khoa học kêu gọi cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Tổng thống Biden nói rõ rằng các cơ quan Mỹ chưa đạt được kết luận thống nhất về nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2. Do đó, trong tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra vào tháng 5, ông nhấn mạnh: "Các cơ quan cần tăng cường nỗ lực thu thập, phân tích thông tin có thể đưa chúng ta đến gần hơn kết luận cuối cùng" cần báo cáo lại cho người đứng đầu Nhà Trắng trong vòng 90 ngày. 

Tổng thống Biden cho biết thêm, các cơ quan tình báo đang xem xét 2 kịch bản nhưng vẫn thiếu sự tin tưởng mạnh mẽ vào kết luận của họ. Họ đang tranh cãi rằng liệu vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên thông qua tiếp xúc với động vật tại chợ ở Vũ Hán hay vi rút bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm nghiên cứu ở thành phố này. Ông cũng tiết lộ rằng 2 trong số 18 cơ quan tình báo nghiêng về kịch bản liên quan đến động vật và chỉ "một cơ quan nghiêng về phía phòng thí nghiệm".

Đáng chú ý, trong thông cáo ngày 12.8, WHO cho biết một nhóm cố vấn khoa học quốc tế sẽ chịu trách nhiệm cố vấn cho tổ chức này về việc phát triển khung nghiên cứu toàn cầu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Với COVID-19, nhóm cố vấn sẽ hỗ trợ tiến hành nhanh chóng các nghiên cứu được đề xuất trong báo cáo hồi tháng 3.2021. WHO khẳng định việc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch “không nên là một bài tập để đổ lỗi, chỉ tay hoặc chấm điểm chính trị”.

Động thái trên được phía Mỹ hoan nghênh. Chính quyền Biden hy vọng việc “nhấn mạnh vào các nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và các nỗ lực dựa trên dữ liệu để tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn và đối phó tốt hơn các đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra trong tương lai”.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã nhanh chóng bác bỏ điều đó. Hôm 13.8, Trung Quốc nhắc lại lập trường của họ từ nhiều tháng qua rằng, cuộc điều tra chung hồi đầu năm nay là đủ và việc đòi hỏi nước này cung cấp thêm dữ liệu là có ẩn ý chính trị.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan chức WHO bày tỏ lo ngại về sự an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán