Bộ Y tế Myanmar ngày 28.3 thông báo về 3 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 8 người.
Hai trong 3 bệnh nhân mới là công dân Myanmar, gồm một người 29 tuổi trở về từ Anh và một hướng dẫn viên du lịch 60 tuổi. Trường hợp còn lại là người Thụy Sĩ 58 tuổi làm việc cho Liên Hợp Quốc.
Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết nữ nhân viên mắc bệnh đã tự cách ly sau khi nhập cảnh Myanmar ngày 17.3. Lúc bà xuất hiện triệu chứng thì đã được đưa đi bệnh viện.
Theo Bộ Y tế Myanmar, sức khỏe 8 người nhiễm COVID-19 hiện rất tốt, 59 trường hợp nghi nhiễm khác đều có kết quả âm tính. Chính quyền vừa ký hợp đồng mua 100.000 đồ bảo hộ y tế từ một doanh nghiệp trong nước (công ty con của một tập đoàn có trụ sở ở Hồng Kông).
Tại Thái Lan, chính quyền trung ương cho phép các địa phương triển khai những quy định nghiêm ngặt hơn nữa khi số ca nhiễm trên toàn quốc đã vượt quá 1.100. Giới chức thủ đô Bangkok quyết định đóng cửa thêm thư viện, bảo tàng, sân thể thao, trung tâm hội nghị, cơ sở chăm sóc trẻ em, viện thẩm mỹ.
Tỉnh Narathiwat tự phong tỏa, chỉ cho phép xe cứu thương, xe công vụ, xe chở vật tư y tế thiết yếu ra vào, địa phương này vừa có 1 ca tử vong là người từng sang Malaysia dự sự kiện Hồi giáo. Vài tỉnh khác giới hạn giờ hoạt động của các cửa hàng tiện lợi.
Malaysia vẫn là nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất, 2.161 trường hợp, 26 ca tử vong. Indonesia 1.046 ca nhiễm và 87 ca tử vong, Philippines 803 ca nhiễm và 54 ca tử vong, Singapore 732 ca, Brunei 115 ca, Lào 6 ca nhiễm.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thêm 146 người mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.478. Số ca tử vong tăng đến 144. Trung Quốc không có ca nhiễm mới trong nước nhưng ghi nhận có 54 bệnh nhân từ bên ngoài. Nước này từ ngày 28.3 cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Cẩm Bình (theo Myanmar Times, Straits Times, Yonhap News)