Bị cáo Tô Anh Dũng khai, trong thời gian triển khai, bị cáo không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật; có tiếp xúc với một số doanh nghiệp nhưng không chủ động

Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỉ nhưng... không nhận thức được là vi phạm pháp luật

Nhã Thanh | 12/07/2023, 15:12

Bị cáo Tô Anh Dũng khai, trong thời gian triển khai, bị cáo không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật; có tiếp xúc với một số doanh nghiệp nhưng không chủ động

Chiều 12.7, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, một số tỉnh thành phố và các đơn vị liên quan.

Có tiếp xúc với doanh nghiệp nhưng… không chủ động

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo vào chiều 12.7, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khai rõ Bộ Ngoại giao phân công cho Cục Lãnh sự nắm bắt tình hình đưa công dân về nước, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch theo tháng (chuyến bay combo)…

Về quy trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép chuyến bay, theo bị cáo Dũng, Bộ Ngoại giao đã phân công cho Cục Lãnh sự để giải quyết, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, xem xét năng lực, khả năng, nắm bắt tình hình, nhu cầu trong nước cũng như ở nước ngoài để xây dựng kế hoạch, trình cho bị cáo xem xét về mặt chủ trương và phối hợp với 5 Bộ để triển khai.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thùa nhận, quá trình thực hiện công việc, bị cáo “có tiếp xúc với một số doanh nghiệp nhưng bị cáo không chủ động, chủ yếu là doanh nghiệp tự liên hệ”.

to-anh-dung.jpg
Bị cáo Tô Anh Dũng được áp giải tới tòa - Ảnh: D.T

Bị cáo Tô Anh Dũng khai sau khi doanh nghiệp được tham gia và khi tổ chức xong chuyến bay, họ có liên hệ để cảm ơn. Cụ thể, bị cáo nhận của đại diện Công ty An Bình 8,5 tỉ đồng, nhận của Công ty Blue Sky 5 tỉ đồng, Công ty Nhật Minh 40.000USD, Công ty Sao Hà Nội khoảng 25.000USD, nhận của bà Mai Xa khoảng 30.000USD… Còn một số công ty khác bị cáo Dũng nói "không nhớ cụ thể".

“Bị cáo thành khẩn nhận lỗi. Trong thời gian triển khai, bị cáo không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo không lợi dụng, bàn bạc với ai mà chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không đòi hỏi ở họ. Đến khi các doanh nghiệp tổ chức xong, họ tới báo cáo kết quả, bị cáo nghe để rút kinh nghiệm và có nhận quà cảm ơn nhưng không mở ra xem. Sau này nhận thức ra, bị cáo rất ăn năn hối lỗi”, Tô Anh Dũng khai trước tòa.

Cũng tại phiên tòa, cựu Thứ trưởng cho biết bị cáo và gia đình đã nộp lại hơn 16 tỉ đồng; ngoài ra, thông qua luật sư, bị cáo cũng tác động và mong gia đình cố gắng khắc phục hết hậu quả.

Theo cáo trạng, ông Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch trên.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5.2020 đến tháng 1.2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Dũng giải quyết việc cấp phép chuyến bay và được bị cáo Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền của doanh nghiệp.

VKS kết luận, từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022, ông Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

to-anh-dung(1).jpg
Ông Tô Anh Dũng khai báo tại phiên tòa chiều 12.7 - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

“Nhất thời không kiểm soát được bản thân”

Về phần mình, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự) khai, về mặt văn bản thì không ghi rõ nhưng Cục trưởng (bà Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) có nhắc tới một số tiêu chí cụ thể khi cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, như doanh nghiệp có năng lực, có kinh nghiệm trong việc triển khai chuyến bay trước đó.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có một số đại diện doanh nghiệp liên hệ. “Bị cáo không có ý định tiếp xúc trực tiếp, chỉ trả lời điện thoại nhằm hướng dẫn về mặt gửi hồ sơ. Sau đó, có 15 đại diện doanh nghiệp đã liên hệ và cảm ơn bị cáo”.

Tại tòa, Tùng khai đã nhận tiền của doanh nghiệp gồm: An Bình 2,6 tỉ đồng, Blue Sky 2,6 tỉ đồng, Công ty Nhật Minh hơn 40.000USD, Lữ Hành Việt 90.000USD (2 lần), Phi Trường 10.000USD và 300 triệu đồng…

Trước tòa, Tùng khai lúc đó bị cáo nghĩ các doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay nên họ gửi quà cảm ơn. Bị cáo đã nhiều lần từ chối nhưng sau đó họ vẫn gửi cảm ơn. Hiện nay, bị cáo nhận thức rõ đó là hành vi không đúng quy định của pháp luật và nhìn ra lỗi lầm của mình.

quang-canh(1).jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: N.A

VKS kết luận bị cáo Tùng đã nhận tổng số tiền là hơn 12 tỉ đồng. Tại tòa, Tùng cho biết bản thân và gia đình đã nộp 200 triệu đồng để khắc phục và cũng đã tác động nhiều lần đến gia đình để khắc phục hết toàn bộ số tiền trước khi xét xử. Đến nay, bị cáo vẫn tiếp tục tác động tới gia đình để hoàn thành việc khắc phục hậu quả.

Cuối lời, bị cáo Tùng thừa nhận: “Tôi vô cùng hối hận vì nhất thời không kiểm soát được bản thân mình. Đến nay, tôi đã nhận ra lỗi lầm và mong được xem xét”.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Truy tố cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng tội ‘Nhận hối lộ’
Ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỉ nhưng... không nhận thức được là vi phạm pháp luật