Khi dịch bệnh đang có vẻ hạ nhiệt tại Trung Quốc nhưng đã lây lan, hình thành các vùng dịch mới sang các nước Âu - Mỹ, dọc các tuyến đường trong chiến lược "Vành đai và Con đường" (BRI), Bắc Kinh đã cung cấp hỗ trợ y tế cho các quốc gia đối tác, sử dụng chính những hành lang kinh tế, cảng biển trong sáng kiến này nhằm khẳng định “là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, một mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình hướng tới, tạm gọi là “Con đường tơ lụa y tế”.
Ngày 21.3, chuyến tàu lửa trong đó có chở 110.000 chiếc khẩu trang y tế và 776 đồ bảo hộ khởi hành từ Chiết Giang, Trung Quốc tới Tây Ban Nha, quốc gia châu Âu đang bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, với khoảng cách 13.000km, đi trong 17 ngày. Đây là một trong những con tàu nằm trong mạng lưới đường sắt Trung Quốc - châu Âu đang kết nối hàng chục thành phố tại Trung Quốc với các nước ở phương Tây, vận hành các chuyến vận chuyển hàng hóa qua các lục địa, nối liền đông và tây.
Hệ thống cơ sở hạ tầng này là giải pháp khả quan giúp tăng sản lượng vận tải hàng hóa hạng nặng, giá trị cao giữa hai khu vực với chi phí rẻ hơn phương thức vận tải đường biển hoặc hàng không. Nhưng nó cũng là phương tiện ngoại giao của Trung Quốc và đôi khi là tuyên truyền chính trị khi Bắc Kinh muốn thúc đẩy quan hệ đối tác được tăng cường với một quốc gia khác thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Plamen Tonchev thuộc Viện Quan hệ kinh tế quốc tế Hy Lạp cho biết Trung Quốc dùng chiến lược “viện trợ y tế” nhằm xoay chuyển các chỉ trích của dư luận quốc tế về phản ứng trước COVID-19.
Nhà phân tích Jonathan Hillman đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington nhận định rằng Bắc Kinh đang sử dụng mạng lưới các quốc gia hợp tác trên cơ sở Vành đai và Con đường (BRI) để xây dựng lại hình ảnh trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang dần mất niềm tin vào sự giúp đỡ từ EU hay Mỹ.
Ông Hillman cho rằng, nhờ sự chủ động này, Trung Quốc không còn bị nhìn nhận như nguồn gốc của đại dịch hay bị đổ lỗi về việc quản lý lỏng lẻo. Trong mắt Pakistan, Serbia, Ethiopia và Ý, hay tất cả các quốc gia đã xây dựng mối quan hệ chính trị và kinh tế thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc giờ được coi là nhà tài trợ hảo tâm mang lại sự trợ giúp thực tế khi cần.
“Trung Quốc đang cố gắng phát huy những lợi ích của việc kết nối với Vành đai và Con đường bằng cách cung cấp vật tư y tế. Tuy nhiên, đại dịch qua đi, các quốc gia và công ty sẽ thấy rủi ro hay phần thưởng lớn hơn trong việc kết nối với Trung Quốc? Chúng ta hãy chờ xem”, chuyên gia Hillman nói.
Được biết những chuyến tàu cung cấp thiết bị y tế trong thời điểm khủng hoảng cho đối tác Vành đai và Con đường (BRI) là một trong số ít các khu vực thuộc BRI vẫn đang hoạt động, do phần còn lại đã ngừng vận hành kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hầu hết các dự án liên quan đến BRI phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để nhận hỗ trợ vật liệu xây dựng đến từ Trung Quốc, công nhân đến từ Trung Quốc và tài trợ đến từ Trung Quốc. Việc 130 quốc gia đóng cửa với công dân Trung Quốc đã dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ các nhà máy, và Vành đai và Con đường đã bị dừng lại.
Khi hàng chục dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc “đứng ngồi không yên” trên khắp thế giới, việc điều chỉnh lại các khoản vay để xây dựng chúng sẽ cần phải được thực hiện. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch sẽ là ưu tiên cao nhất của Bắc Kinh vào năm 2020 và điều đó sẽ đòi hỏi các nguồn lực rất cần thiết.
Theo các nhà phân tích, đẩy mạnh hợp tác với một quốc gia đang trên bờ vực thẳm là một phần cốt lõi của chiến lược Vành đai và Con đường. Nếu nhìn lại lịch sử của sáng kiến, có thể thấy Trung Quốc đã bước vào các quốc gia như Hy Lạp, Ý và Sri Lanka và cố gắng xây dựng lại thực tế kinh tế tan vỡ của họ... để đổi lấy một cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc, tạo thêm đòn bẩy phát triển cho Bắc Kinh, và tất nhiên “bội thu” từ đống nợ của những quốc gia khác.
Theo nhà nghiên cứu Frans-Paul van der Putten (Viện Clingendael, Hà Lan), việc đẩy mạnh các hành động viện trợ y tế giữa lúc thế giới đang chao đảo bởi COVID-19 có thể sẽ giúp Trung Quốc củng cố vai trò ngày càng lớn của các công ty được nhà nước hậu thuẫn trong vận tải hàng không, đường biển ra quốc tế. Điều này cũng tăng cường áp lực trong các mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển vốn đang nhờ vào nguồn tài chính của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo thêm động lực cho Bắc Kinh đảm nhận vai trò lãnh đạo mạnh hơn trên các nền tảng đa phương như G20, Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hoàng Vũ (theo Forbes)