Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte hôm 6.1.2022 cho biết những người chưa tiêm vắc xin sẽ bị bắt nếu không tuân theo lệnh ở yên trong nhà khi số ca COVID-19 đạt mức cao nhất trong 3 tháng.

Tổng thống Philippines nói bắt người chưa tiêm vắc xin rời nhà, Indonesia mong miễn dịch lai giúp kiểm soát Omicron

Sơn Vân | 06/01/2022, 22:40

Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte hôm 6.1.2022 cho biết những người chưa tiêm vắc xin sẽ bị bắt nếu không tuân theo lệnh ở yên trong nhà khi số ca COVID-19 đạt mức cao nhất trong 3 tháng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc, Rodrigo Duterte cho biết ông đang yêu cầu các nhà lãnh đạo cộng đồng tìm kiếm những người chưa được tiêm vắc xin và đảm bảo rằng họ ở yên trong nhà.

"Nếu anh từ chối tiêm vắc xin, ra khỏi nhà và đi xung quanh cộng đồng, anh sẽ bị áp giải về nhà. Nếu anh chống đối, người lãnh đạo cộng đồng có quyền bắt giữ anh và đưa đến đồn cảnh sát", Tổng thống Philippines nói.

Hôm 6.1.2022, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 17.220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 26.9.2021, bao gồm cả những người nhiễm biến thể Omicron.

Số ca COVID-19 này tăng gấp 3 so với hôm 4.1.2022, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 2,88 triệu với 51.700 người chết. Đây là số ca mắc COVID-19 và tử vong cao thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.

"Tôi chịu trách nhiệm về sự an toàn và hạnh phúc của mọi người dân Philippines", ông Rodrigo Duterte nói khi thách những người không chấp nhận chỉ thị nộp đơn kiện ông.

tong-thong-philippines-noi-bat-nguoi-chua-tiem-vac-xin-roi-nha.jpg
Tổng thống Rodrigo Duterte dọa bắt những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 không ở yên trong nhà - Ảnh: Reuters

Tính đến cuối năm 2021, 49,8 triệu người Philippines đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, tương đương 45% trong số 110 triệu dân. Theo các quy định hiện hành, những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 ở khu vực thủ đô Manila chỉ có thể ra khỏi nhà trong những chuyến đi cần thiết.

Tổng thống Rodrigo Duterte được biết đến với tài hùng biện mạnh mẽ. Năm ngoái, ông đã dọa bỏ tù những người từ chối tiêm vắc xin COVID-19.

Phát biểu mới nhất từ Rodrigo Duterte nhấn mạnh sự lo ngại ngày càng tăng của chính phủ Philippines về số ca mắc COVID-19 ngày càng gia tăng mà các chuyên gia y tế cảnh báo có thể lại áp đảo hệ thống y tế đất nước.

Đến nay Philippines đã phát hiện 43 ca nhiễm Omicron nhập cảnh và trong cộng đồng, khiến chính phủ phải thắt chặt các biện pháp hạn chế trong tuần này.

Malaysia phê duyệt vắc xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Hôm 6.1.2022, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em 5 - 11 tuổi.

Bộ trưởng Y tế Malaysia - Khairy Jamaluddin nói cơ quan quản lý thuốc nước này đã cấp phép sử dụng vắc xin của công ty CanSino Biologics (Trung Quốc) như mũi tiêm tăng cường cho người từ 18 tuổi.

Malaysia, quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á, tuần trước đã rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vắc xin tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm khuyến khích nhiều người hơn đi tiêm mũi thứ ba, ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Theo thống kê của chính phủ, hầu hết dân số Malaysia đã tiêm hai liều vắc xin COVID-19, bao gồm gần 98% người lớn và 88% người từ 12 đến 17 tuổi.

Malaysia đã ghi nhận 245 ca nhiễm Omicron, phần lớn trong số đó là những người Hồi giáo hành hương trở về từ Ả Rập Saudi, ông Khairy Jamaluddin nói.

Malaysia sẽ tạm thời đình chỉ tất cả chuyến đi tôn giáo đến Ả Rập Saudi trong 1 tháng kể từ 8.1.2022.

Thái Lan nâng cấp độ cảnh báo COVID-19 do Omicron lây lan nhanh

Một quan chức y tế cấp cao cho biết Thái Lan đã nâng mức cảnh báo COVID-19 sau khi tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng do sự lây lan của biến thể Omicron.

Sự thay đổi cấp độ 3 lên cấp độ 4 đem đến lý do cho các biện pháp khả thi có thể thực hiện theo, chẳng hạn như phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao và hạn chế việc đi lại trong nước hoặc tụ tập công cộng.

Kiattiphum Wongrajit, thư ký thường trực của Bộ Y tế, cho biết: “Thái Lan đã bước vào một làn sóng nhiễm SARS-CoV-2 mới, nơi số ca COVID-19 sẽ tăng nhanh. Cấp độ 4 có nghĩa là chúng tôi có thể phong tỏa những nơi có nguy cơ cao và công bố nhiều biện pháp hơn".

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng mạnh hàng ngày kể từ đầu năm 2022.

Hôm 6.1.2022, Thái Lan đã ghi nhận 5.775 ca COVID-19 mới, tăng 48% so với ngày trước đó và gần gấp đôi con số vào ngày 1.1.2022, chủ yếu do Omicron gây ra. Hiện Thái Lan báo cáo 2.338 ca nhiễm Omicron.

Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 cho khoảng 69,1% trong số ước tính 72 triệu người sống ở nước này, nhưng mới chỉ có 10,9% nhận mũi tăng cường.

Indonesia mong miễn dịch lai giúp kiểm soát Omicron

Một cuộc khảo sát do chính phủ ủy quyền cho thấy hơn 85% dân số Indonesia có kháng thể chống lại COVID-19, nhưng các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng vẫn chưa rõ liệu khả năng miễn dịch này có thể giúp ngăn chặn làn sóng dịch Omicron sắp tới không.

Được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12.2021 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Indonesia, cuộc khảo sát cho thấy người nước này đã phát triển kháng thể từ sự kết hợp giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tiêm vắc xin.

Pandu Riono, nhà dịch tễ học tham gia vào cuộc khảo sát với khoảng 22.000 người được hỏi, cho biết mức độ miễn dịch có thể giải thích tại sao không có sự tăng vọt số ca COVID-19 kể từ giữa năm 2021.

Làn sóng dịch thứ hai ở Indonesia do biến thể Delta gây ra đạt đỉnh điểm vào tháng 7 và tháng 8.2021, với số ca COVID-19 giảm mạnh từ hơn 50.000 xuống chỉ còn vài trăm mỗi ngày trong những tháng gần đây.

Pandu Riono nói các kháng thể có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại các biến thể mới, bao gồm cả Omicron, dù có lẽ phải trải qua nhiều tháng để điều này trở nên rõ ràng.

Omicron đã lây nhiễm cho hơn 250 người ở Indonesia, hầu hết các trường hợp đều nhập cảnh và một số ít ca cộng đồng đến nay vẫn chưa gây tăng F0 đột biến như ở nhiều quốc gia khác.

Pandu Riono nói: “Điều quan trọng là đa số mọi người phát triển khả năng miễn dịch lai để kiểm soát đại dịch”, đề cập đến khả năng miễn dịch mạnh hơn ở người từng mắc COVID-19 đã tiêm vắc xin.

Indonesia mới chỉ tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ cho hơn 42% dân số 270 triệu người.

Pandu Riono cho biết các phát hiện của cuộc khảo sát vẫn đang được kiểm tra để đánh giá xem các nhãn hiệu vắc xin khác nhau có thể đóng góp như thế nào vào các mức kháng thể khác nhau.

Theo Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith (Úc) không tham gia vào cuộc khảo sát, những phát hiện này nên được đánh giá thận trọng vì tỷ lệ tiêm vắc xin của Indonesia thấp hơn nhiều quốc gia và không có gì đảm bảo rằng kháng thể có thể tồn tại dài lâu.

Bài liên quan
Nước đầu tiên triển khai tiêm liều vắc xin thứ 4 ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục do Omicron
Israel mở cửa cho khách du lịch lần đầu tiên sau gần 2 năm hồi tháng 9.2021. Đến cuối tháng 11.2021, Israel đóng cửa với toàn thế giới vì lo ngại biến thể Omicron. Giờ đây, Omicron khiến nước này lập kỷ lục không mong đợi về số ca COVID-19 hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Philippines nói bắt người chưa tiêm vắc xin rời nhà, Indonesia mong miễn dịch lai giúp kiểm soát Omicron