Theo thông báo mới nhất của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức ngày 14.11 tại Philippines, dù ông vẫn đến nước này.
Thay cho ông Trump, phía Mỹ sẽ có một phái đoàn khác tham dự hội nghị EAS cùng với lãnh đạo các nước châu Á, Úc, New Zealand và Nga. Nhà Trắng không cho biết lý do ông Trump vắng mặt.
Như vậy, Philippines sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du dài 12 ngày của ông Trump đến châu Á. Trước đó ông sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, nơi ông tham dự Hội nghị cấp cao APEC.
Tại Philippines, ông sẽ gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào ngày 13.11, sau đó sẽ bay về nước vào ngày 14.11 (tối 13.11 theo giờ Mỹ), đúng ngày khai mạc EAS.
Nhà Trắng cũng cho biết tuy không dự hội nghị chính thức, nhưng ông Trump sẽ tham gia một số cuộc họp liên quan đến EAS. Nói về quyết định bỏ qua EAS, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho hay đây chỉ là chuyện sắp xếp lịch trình, và “mọi người không nên suy diễn lung tung khi ông (Trump) vắng mặt vào ngày 14.11”.
Washington Post đánh giá quyết địnhcủa Tổng thống Trump không dự EAS ngay trong nhiệm kì đầu tiên, dù địa điểm diễn ra hội nghị rất gần,đã gửi đi thông điệp rằngông không hứng thú với định chế và triển vọng của hội nghị này.
CựuĐại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell nói: “Đây là chuyện lớn. Chính quyền Obama đã đầu tư nhiều vào các định chế khu vực để cho thấy rằng chúng tôi (Mỹ) là một thế lực ở châu Á-Thái Bình Dương. Chuyện này (ông Trump không dự EAS) sẽ làm nảy sinh thêm nhiều nghi vấn về uy tín của nước Mỹ”.
Washington Post dẫn nhiều nguồn tin trong giới chức Mỹ cho biết:đã có tranh cãi quanh chuyện ông Trump có nên tham gia EAS hay không. Cuối cùng, các quan chức thân cận của ông lo rằng ông không muốn ở lại lâu.
Ông Mitchell cho hay ban tổ chức EAS đã đặc biệt tổ chức hội nghị sát ngày với những sự kiện quan trọng của khu vực, ví dụ như hội nghị APEC để Mỹ có thể tham dự. “Tôi cho rằng nhiều đối tác của chúng ta sẽ bực bội”, theo ông Mitchell.
Còn theo cố vấn cấp cao đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Ernest Bower, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể thay Tổng thống Trump tham dự EAS, nhưng “tính biểu tượng của ông Tillerson sẽ là vấn đề gây tranh cãi trên báo hôm đó”.
Cố vấn Bower chia sẻ điều khiến EAS trở nên đặc biệt, chínhlà hội nghị này tập trung bàn bạc những vấn đề chiến lược tầm vóc lớn, chứ không chỉ tập trung vào kinh tế như Hội nghị APEC.
Sự vắng mặt của Tổng thống Trump cho thấy chính quyền của ông đánh giá thấp tầm quan trọng của các diễn đàn và tổ chức đa phương.
Ngoài việc bỏ qua Hội nghị cấp cao Đông Á, Tổng thống Trump cũng sẽ không đến thăm Khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mặc dù vấn đề Triều Tiên là nội dung chính trong chuyến công du châu Á của ông, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết.
Cẩm Bình (theo SCMP, Philstar, Washington Post)