Ngoài việc bệnh nhân phải chi trả các khoản khám, chữa bệnh theo quy định, thì không ít bệnh nhân phải chi “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế để được “chăm sóc” tốt hơn.

TP.HCM: 1,3% bệnh nhân có “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế

Hồ Quang | 05/01/2021, 15:15

Ngoài việc bệnh nhân phải chi trả các khoản khám, chữa bệnh theo quy định, thì không ít bệnh nhân phải chi “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế để được “chăm sóc” tốt hơn.

Ngày 5.1.2021, Sở Y tế TP.HCM chính thức công bố kết quả khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn TP trong 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, nhiều người bệnh nhập khoa, nhất là các bệnh viện tuyến TP vẫn còn chờ khá lâu; nhiều bệnh nhân chưa hài lòng về hoạt động hỗ trợ người bệnh, thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi mới vào khoa nội trú… Đặc biệt, bệnh nhân, thân nhân phản ánh ngoài đóng các khoản chi phí khám, chữa bệnh còn phải “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế ở đây để được “chăm sóc” tốt hơn.

tphcm-1-3-benh-nhan-co-boi-duong-cho-nhan-vien-y-te-hinh-anh(1).png
 Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)- Ảnh: PV

Để thực hiện việc khảo sát trải nghiệm trên, Sở Y tế TP cho biết đã tiến hành khảo sát 5013 bệnh nhân, thân nhân người bệnh tại 79 bệnh viện trên địa bàn TP, trong đó có 29 bệnh viện tuyến TP, 19 bệnh viện tuyến quận, huyện và 31 bệnh viện tư nhân. Những nội dung khảo sát tập trung vào 7 vấn đề gồm: lúc nhập viện; cơ sở vật chất và tiện ích phục vụ người bệnh; tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế; hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh; chi trả viện phí; trước khi xuất viện và nhận xét chung của người bệnh.

Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian trung bình cho nhập khoa và chờ khám ở các khoa còn kéo dài, trong đó thời gian trung bình chờ nhập khoa tại các bệnh viện tuyến TP lên đến 35 phút, còn thời gian chờ khám trung bình ở các khoa là 23 phút. Với thời gian kéo dài trên chỉ có 59,2% bệnh nhân chờ nhập khoa nội trú có trải nghiệm tốt; 78,4% bệnh nhân chờ khám ở các khoa có trải nghiệm tốt.

Trong khi đó, cơ sở vật chất và tiện ích phục vụ người bệnh tại các bệnh viện còn nhiều bệnh nhân phàn nàn về tình trạng nhà vệ sinh, dịch vụ tiện ích của bệnh viện và hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể chỉ có 76,7% bệnh nhân phản ánh tích cực về hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; 87,6% phản ánh tích cực về dịch vụ tiện ích của bệnh viện…Ở hoạt động khám chữa bệnh, còn nhiều bệnh nhân chưa hài lòng về việc bác sĩ lý giải lý do thực hiện xét nghiệm.

Riêng về chi trả viện phí, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân chưa hài lòng về việc hỗ trợ người bệnh khó khăn. Số bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân phản ánh tích cực và việc hỗ trợ người bệnh khó khăn chỉ có 86,6%, thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2019 ( 87,6%). Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân phải bỏ tiền “ bồi dưỡng” cho nhân viên y tế để được “ chăm sóc” chu đáo. Cụ thể, có 1,3% bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến TP phải “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế. Con số này ở bệnh viện tuyến quận, huyện và bệnh viện tư nhân lần lượt là 0,9% và 0,7% bệnh nhân.

Kết quả điểm chung trải nghiệm của người bệnh chỉ có 8,70 điểm (điểm tối đa là 10). Điều này cho thấy, chỉ có 80,1% bệnh nhân muốn quay lại bệnh viện để điều trị. Con số này thấp hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm 2019, khi đó có tới 97,5% bệnh nhân muốn quay lại bệnh viện để điều trị.

Theo Sở Y tế TP, kết quả khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2020 đã chỉ ra những vấn đề ưu tiên cần được các bệnh viện tiếp tục quan tâm và đầu tư nguồn lực, đó là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nhập viện; tăng cường các hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian điều trị nội trú; rút ngắn thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi mới vào khoa nội trú và rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục xuất viện.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP đề nghị các bệnh viện trong năm 2021 cần phải quan tâm, ưu tiên cải tiến rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nhập khoa nội trú; tăng cường các hoạt động hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; rút ngắn thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi mới vào khoa nội trú và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục xuất viện.

Bài liên quan
Chuyên gia nước ngoài chỉ cách phục hồi bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người
Liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: 1,3% bệnh nhân có “bồi dưỡng” cho nhân viên y tế