Các loại hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Dương lịch 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu đã được các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ, giá không tăng.
Hàng hóa tết đã sẵn sàng lên kệ
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân TP.HCM dịp cuối năm và lễ tết, các hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn như Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Big C - Go!, VinMart - VinMart+, Satra, Vissan… đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Theo đó, vào dịp tết năm nay, Saigon Co.op chuẩn bị hàng hóa tương ứng gần 4.922 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 40% nguồn vốn dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; 60% còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác.
Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị 3.500 tấn thịt heo an toàn, giá thấp hơn thị trường. Ngoài ra, đơn vị này còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản và luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Đáng chú ý, để kích cầu lượng người mua sắm trước Tết, Saigon Co.op đang đồng loạt giảm giá hàng tết sớm để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm. Hệ thống này cho biết sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tại Satra, năm nay, đơn vị này tập trung chuẩn bị tốt đối với các nhóm mặt hàng chủ lực như gạo, thực phẩm chế biến, thịt gia súc… để bình ổn thị trường trong tháng tết là hơn 2.421 tấn, tăng 63% so tháng thường và tăng 43% so với kế hoạch thành phố giao.
Trong khi đó, đại diện Central Retail tại Việt Nam (đơn vị chủ sở hữu chuỗi siêu thị Go! và Big C) dự báo nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng khoảng 50% trong dịp tết. Vì vậy, bộ phận thu mua của chuỗi siêu thị Go! và Big C đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt heo tăng khoảng 20%, thịt gia cầm 25% so với Tết 2020 để chủ động giá bán.
Từ nay tới Tết Nguyên đán 2021, hệ thống Go! và Big C cũng triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi như: “Giá luôn luôn thấp" áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cam kết không tăng giá bán tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh...
Tương tự, đại diện VinCommerce nói rằng tại các hệ thống VinMart, VinMart+, hình thức khuyến mãi chủ yếu là các gói kích cầu mua sắm với những hàng hóa thiết yếu tết với giá cả hợp lý, ưu đãi giảm giá tới 50%. Hệ thống này còn phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng (đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng điện thoại và website).
Còn tại Vissan, đại diện doanh nghiệp này nói rằng đơn vị đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, trong đó sản lượng thực phẩm chế biến là 5.200 tấn và thực phẩm tươi sống các loại như heo, bò là 2.300 tấn.
Tăng lượng hàng hóa nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Theo Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, công tác chuẩn bị hàng tết tại thành phố đang thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ. Các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng cao điểm mua sắm tết tương ứng với gần 19.680 tỉ đồng, tăng hơn 652 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020.
Lượng hàng chuẩn bị cũng tăng từ 4,4 - 17,3% so với kế hoạch TP.HCM giao và tăng 12 - 21,2% so với Tết Canh Tý 2020. Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35-50% nhu cầu thị trường.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 - 40% thị phần); các chợ đầu mối với mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc (chiếm 60% - 70% thị phần) và các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương nói rằng sẽ đảm bảo cung ứng cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM. Song song đó, cơ quan này cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…