Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nối thành phố và tỉnh Tây Ninh sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thủ tục quy định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).
Theo đó, để việc triển khai dự án đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, thành phố có kiến nghị Bộ xem xét về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để dự án sớm được triển khai, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo UBND TP.HCM, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có địa điểm đầu tư tại TP.HCM và tỉnh Tây Ninh với mục tiêu góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án cũng nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM – Campuchia và chia sẻ lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 22, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM - Tây Ninh. Điều này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến nói riêng và khu vực nói chung.
Về quy mô đầu tư, chiều dài của toàn tuyến là khoảng 53km, trong đó điểm đầu giao với đường Vành đai 3 theo quy hoạch, điểm cuối tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 của cao tốc là 4 làn xe hạn chế với tổng chiều rộng nền đường là 17m.
Về giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất của dự án khoảng 432ha, trong đó TP.HCM khoảng 209ha, tỉnh Tây Ninh 223ha. Dự án được thực hiện bằng các dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) của dự án này là khoảng 23 năm 8 tháng sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác. Dự kiến tổng vốn đầu tư 13.613 tỉ đồng, tức tăng khoảng 2.527 tỉ đồng so với báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi hồi cuối tháng 10.2019.
Nguyên nhân tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Mộc Bài – TP.HCM tăng do chi phí việc giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến chỉ khoảng 2.918,7 tỉ đồng, nay tăng cho phù hợp thực tế là 5.117,7 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án còn bổ sung các nút giao giữa cao tốc với đường Vành đai 3 (Hóc Môn) và tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Trước đó, trong tháng 10, Chính phủ đã giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án. TP.HCM và tỉnh Tây Ninh sẽ tự thực hiện giải phóng mặt bằng, phần xây lắp sẽ thực hiện theo hợp đồng BT.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, các đơn vị sẽ thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tháng 3.2021, dự án sẽ được đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến 2025, các đơn vị sẽ tập trung triển khai dự án và hoàn thành, đưa cao tốc vào vận hành trong năm 2025.