Trước việc nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, “đứng hình”, doanh nghiệp gặp khó, TP.HCM đã lên phương án tháo gỡ để thúc thị trường phát triển. Trong đó, thành phố tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở.

TP.HCM nỗ lực ‘giải cứu’ các dự án nhà ở bị vướng luật

09/04/2020, 07:05

Trước việc nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, “đứng hình”, doanh nghiệp gặp khó, TP.HCM đã lên phương án tháo gỡ để thúc thị trường phát triển. Trong đó, thành phố tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở.

TP.HCM kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở - Ảnh: Phan Diệu

Theo UBND TP.HCM, trong năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, quy mô và nguồn cung thị trường sụt giảm, kéo theo sự tăng giá bất hợp lý. Số các doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng tới 39%, đứng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh khác.

Đặc biệt, trong năm 2019, UBND TP.HCM chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý, giảm 24 dự án so với năm 2018. Thành phố cũng chỉ chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại, giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này, chỉ có 7 dự án chấp thuận đầu tư mới; Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 47 dự án, giảm 30 dự án.

UBND TP.HCM cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án sẽ tác động trực tiếp đến thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Do đó, UBND TP.HCM mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…

Cụ thể, đối với quỹ đất có tổng diện tích dưới 1.000m2 do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…), TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP.HCM giao cho chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.

Đối với quỹ đất có tổng diện tích từ 1.000m2 trở lên, thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP.HCM thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất với diện tích tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho nhà nước quản lý, sử dụng.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Trong 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Ông Châu nói rằng cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng. Do vậy, hàng loạt dự án trong thời gian qua đã bị ách tắc, không thể ra sản phẩm, khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung.

Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường bất động sản sụt giảm đều do những hạn chế, vướng mắc về thể chế pháp luật.

“Do thị trường bất động sản có độ trễ nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ phá sản”, ông Châu nhận định.

Đáng chú ý, trước thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh, doanh nghiệp bất động sản khó khăn, TP.HCM cũng đã thành lập tổ công tác về đầu tư. Tổ công tác này họp hàng tuần để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, từng chủ đầu tư.

Trước đó, ngày 11.2, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi đến các sở ban ngành của thành phố về việc tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản để gỡ vướng cho các dự án nhà ở đang bị ách tắc vì luật.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM nỗ lực ‘giải cứu’ các dự án nhà ở bị vướng luật