Trong tháng 10 tới, TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, thí điểm ở một số quận, huyện.
Thí điểm xây dựng thành phố thông minh
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, trong tháng 10 tới, thành phố sẽ bắt đầu thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, thí điểm ở một số quận, huyện.
“Trong đề án này, TP.HCM dự kiến chọn một số khu vực làm thí điểm. Ví dụ sẽ chọn đô thị mới Thủ Thiêm để xây dựng mô hình chung trong đề án đô thị thông minh. Quận 1, 12 và các quận khác nếu đăng ký thì thành phố sẽ triển khai một số mô hình mẫu”, ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, hiện nay, TP.HCM có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước. Thậm chí, một số lĩnh vực của thành phố đã có mặt trên bản đồ thế giới như vi mạch, phần mềm. Do đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công nghệ, Sở Thông tin – Truyền thông cần nắm bắt vấn đề này, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin.
Sau khi lấy ý kiến góp ý của HĐND, lãnh đạo thành phố sẽ phê duyệt đề án trước khi thông qua. Đây không chỉ là giải pháp điều hành thông minh, mà còn là thị trường rất lớn để TP.HCM phát triển ngành công nghiệp về công nghệ và viễn thông, nhất là khi Thành phố triển khai các trụ cột là Trung tâm dữ liệu, điều hành, Trung tâm phục vụ chiến lược và Trung tâm an toàn thông tin.
Đáng chú ý, để thực hiện đề án này, trong quý 4/2017, UBND TP.HCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND 24 quận huyện và các ban quản lý khu chức năng đặc thù đẩy mạnh công tác điều chỉnh các khu vực quy hoạch thiếu tính khả thi đã được UBND TP.HCM chấp thuận danh mục.
Đồng thời, cơ quan này cần tổ chức lập quy hoạch chi tiết các nút giao thông trên địa bàn TP.HCM theo kế hoạch đã được UBND TP chấp thuận. Tổ chức lập thiết kế đô thị riêng và quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị một số các khu vực quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, có tiềm năng phát triển trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, thành phố cũng điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 một số các khu vực ven sông, kênh rạch, phục vụ cho chương trình đột phá thứ 7 về chỉnh trang và phát triển đô thị, sắp xếp lại nhà ở cho người dân sống trên và ven kênh rạch. Từng bước ứng dụng công nghệ GIS trong công tác công bố công khai quy hoạch được duyệt, triển khai xây dựng nền tảng đô thị thông minh…
TP.HCM khó đạt mục tiêu tăng trưởng
Theo UBND TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2017, mặc dù kinh tế thành phố đã tăng trưởng cao hơn cùng kỳ khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đạt 775.874 tỉ đồng, tăng 8%; thế nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% là rất khó khăn.
Do đó, lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện, sở ngành tập trung hai mục tiêu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trong 3 tháng còn lại của năm 2017.
Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các ngành công - nông nghiệp công nghệ cao phải có một sự chuyển dịch nhanh hơn nữa.
“Hiện nay, sau khi sơ kết đánh giá làm thế nào thành phố phát triển nhanh, bền vững, phải nói rằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm lắm, thậm chí chưa hiện rõ trong chuyển dịch. Tôi đề nghị để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP, phải thực hiện đánh giá lại giải pháp này. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục mà còn nhũng nhiễu, phiền hà thì nhà đầu tư rất ngại”, ông Tuyến nói thêm.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần kiểm soát cấp dưới, hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là điều góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Nhìn nhận vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cũng cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư PCI thì có 10 chỉ tiêu rất lớn. Đến giờ này, TP.HCM có 4 - 5 chỉ tiêu, đó là mức độ như: tiếp cận đất đai, tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp, chi phí gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, gần đây nổi trội nhất là thiết chế pháp lý.
Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các giải pháp nhằm đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á.
Phan Diệu