Một trong những điểm đáng chú ý được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị "Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương" ngày 25.9 là giảm vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo ở dự thảo sửa đổi sắp tới.
Cụ thể, tại Hội nghị "Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết trong hoạt động xuất khẩu gạovai trò của VFA vẫn còn tồn tại nhiều. Do đó, trong dự thảo mới nhấtsẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự do tham gia xuất khẩu gạo, tự chủ trong ký kết hợp đồng và một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng này sẽ bị bãi bỏ.
"Dự thảo sẽ định hướng vai trò của VFA theo tính chất nắm bắt thông tin, vì hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến cân đối an ninh lương thực trong nước, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo mức độ dự trữ và đảm bảo an ninh lương thực", ông Tân cho hay.
Hiện nay, một trong những vấn đề nổi cộm của Nghị định 109 kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương là quyền quản lý của VFA quá lớn. Bởi lẽ, mô hình VFA do lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước làm chủ tịch là không phù hợp, ngược lại còn gây bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Trên thực tế, VFA là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vì vậytôn chỉ, mục đích đầu tiên của VFA phải là bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Tuy nhiên, vai trò, chức năng, phương thức hoạt động... của VFA dường như đã vượt quá một hiệp hội nghề nghiệp đơn thuần và có khá nhiều quyền chi phối hoạt động xuất khẩu gạo.
Đặc biệt, vị trí chủ tịch hiệp hội này luôn nằm trong tay những doanh nghiệp nhà nước lớn, cụ thể là Tổng công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 và Tổng công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1.
VFA thực hiện nhiều công việc, chức năng của Nhà nước như: công bố giá sàn, đăng ký hợp đồng xuất khẩu và phân phối quota xuất khẩu gạo... Cụ thể, với các hợp đồng thương mại, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu đã có giấy phép đủ điều kiện, nhưng hợp đồng vẫn phải được VFA chấp thuận và đóng dấu giáp lai như một hình thức giấy phép con. Nếu không có con dấu của VFA thì Hải quan cũng không được phép cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Riêng các hợp đồng xuất khẩu gạo cấp chính phủ với khối lượng lớn, VFA sẽ chủ trì phân chia quota cho các nhà xuất khẩu mà họ chọn lựa.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ từng nhận định cho rằng: "Nếu chủ tịch hiệp hội là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn thì ông ấy thường sẽ mang hơi hướng của doanh nghiệp mình. Và khi một số doanh nghiệp có quy mô lớn khác cùng vào trong hiệp hội, họ sẽ cùng xây dựng lợi ích của họ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt".
Từ đócác chuyên gia kinh tế đề xuất cần cải tổ cách quản lý của VFA một cách thực chất và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nếu sửa đổi hoặc xóa bỏ Nghị định 109 mà không thay đổi VFA thì vấn đề mới chỉ giải quyết định được phần ngọn.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương cho biết với dự thảo sửa đổi, nhiều doanh nghiệp mới sẽ có cơ hội được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân.
Ước tính số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60%-70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp Giấy chứng nhận.
Tuyết Nhung