Nhà thờ Thống nhất được thành lập ở Hàn Quốc từ năm 1954, đứng đầu là Sun Myung Moon, người tự xưng là một đấng cứu thế.

Tranh cãi về tổ chức tôn giáo là đối tượng thù hận của nghi phạm ám sát ông Abe

Đan Thuỳ | 13/07/2022, 11:56

Nhà thờ Thống nhất được thành lập ở Hàn Quốc từ năm 1954, đứng đầu là Sun Myung Moon, người tự xưng là một đấng cứu thế.

Vào một ngày mùa đông lạnh giá vào tháng 2.2020, một đám cưới tập thể được tổ chức ở Hàn Quốc bất chấp nhiều lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Sự kiện có khoảng 6.000 cặp đôi mới cưới, nhiều người trong số họ đã bay đến từ các nơi khác nhau trên thế giới để được gặp nửa kia của mình lần đầu tiên vào chính ngày cưới.

Họ đều là thành viên của Nhà thờ Thống nhất, một nhóm tôn giáo gây tranh cãi đã bị các nhà phê bình gán cho là sùng bái và bị cấm ở Singapore, nhưng vẫn đang phát triển mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là ở Nhật Bản và Mỹ.

anh-chup-man-hinh-2022-07-13-luc-09.47.29.png
Đám cưới tập thể do nhà thờ Thống nhất tổ chức vào năm 2020 tại Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Nhà thờ hiện đang gây xôn xao dư luận sau khi cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát ngày 8.7. Nghi phạm Tetsuya Yamagami khai rằng mình ôm hận thù với một nhóm tôn giáo mà anh ta cho rằng có liên quan tới ông Abe, nên quyết định ra tay ám sát cựu thủ tướng. Yamagami nói rằng mẹ anh ta tham gia tổ chức tôn giáo này và đã quyên góp số tiền rất lớn đến mức khánh kiệt. 

Các nguồn tin cũng tiết lộ Yamagami khai rằng anh ta ban đầu muốn nhắm mục tiêu vào người đứng đầu của tổ chức tôn giáo, nhưng từ bỏ vì nhận ra phương án này "quá khó".

Yamagami sau đó chuyển mối hận thù sang ông Abe, người mà anh ta cho là có liên quan tới nhóm tôn giáo và đã quảng bá cho tổ chức này. Cảnh sát Nhật đang điều tra lời khai của Yamagami về mối liên quan giữa ông Abe với nhóm tôn giáo trên, nhưng chưa công bố thông tin nào.

nghi-pham-1657258616-2410-1657-2377-2167-1657259426_680x0.jpeg
Nghi phạm Tetsuya Yamagami - Ảnh: Internet

Tomihiro Tanaka, chủ tịch chi nhánh tại Nhật Bản của Liên đoàn vì Hòa bình và Thống nhất thế giới, còn gọi là Nhà thờ Thống nhất, nói với báo chí trong cuộc họp tại Tokyo (Nhật Bản) rằng mẹ của Yamagami là thành viên của họ, nhưng không cho biết tên cũng nhưng bác bỏ mối liên quan với ông Abe và Đảng Dân chủ Tự do. Tuy nhiên, nhà thờ được biết là đã có quan hệ mật thiết với nhiều chính trị gia bảo thủ, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản và Mỹ.

Được thành lập vào năm 1954 bởi ông Moon Sun Myung, Nhà thờ Thống nhất được biết đến nhiều nhất với việc tổ chức đám cưới tập thể và điều hành một đế chế kinh doanh quốc tế được gọi là Tập đoàn Tongil (tiếng Hàn có nghĩa là Thống nhất), có cổ phần trong lĩnh vực xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, phương tiện truyền thông và giải trí trên toàn thế giới.

Nó cũng sở hữu một số khu nghỉ dưỡng ở Hàn Quốc, bao gồm cả Khu nghỉ mát trượt tuyết Yongpyong nơi quay bộ phim Bản tình ca mùa đông nổi tiếng.

anh-chup-man-hinh-2022-07-13-luc-09.43.19.png
Ông Moon Sun Myung - Ảnh: Internet

Những người là thành viên của nhà thờ được đặt biệt danh là "Moonies" liên quan đến họ của người sáng lập, mặc dù họ tự gọi mình là "những người theo chủ nghĩa đoàn thể".

Nhà thờ Thống nhất được cho là có 3 triệu tín đồ vào thời kỳ đỉnh cao sau khi lan sang phương Tây vào cuối những năm 1950, mặc dù con số đã giảm trong những năm gần đây. Hiện nay nhà thờ có 300.000 thành viên ở Nhật Bản và lên đến 200.000 ở Hàn Quốc.

Theo BBC, giáo phái này trở nên thực sự nổi tiếng vào những năm 1960 và 1970 nhưng thường bị cáo buộc đã “tẩy não” các thành viên, chia rẽ gia đình họ và làm giàu cho ông Moon. Bản thân nhà sáng lập này từng 6 lần phải vào tù, còn nhiều nhà phê bình và nhà thờ Cơ đốc chính thống tại Hàn Quốc xem giáo phái Nhà thờ Thống nhất là dị giáo.

Nhiều người lên tiếng chỉ trích nhà thờ, hiện do vợ của ông Moon điều hành sau khi ông qua đời vào năm 2012, vì những hoạt động gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu các tín đồ quyên góp những món tiền khổng lồ và bán các vật phẩm tâm linh như con dấu, hạt gỗ và chiết xuất nhân sâm.

Nghi lễ đám cưới tập thể do ông Moon chủ trì, chính thức được gọi là "lễ ban phước", cũng đã bị chỉ trích là một tập tục giống như một giáo phái chỉ có thể thực hiện được khi tẩy não.

Đám cưới tập thể đầu tiên diễn ra ở Hàn Quốc vào năm 1992 với 20.000 người, trong đó có ngôi sao nhạc Pop Nhật Bản Junko Sakurada và vận động viên thể dục dụng cụ Olympic Hiroko Yamasaki.

Trên thực tế, phần lớn các cô dâu là người Nhật Bản và phần lớn các khoản quyên góp mà nhà thờ nhận được là từ Nhật Bản, làm nổi bật thành công to lớn của nhà thờ ở đất nước này sau khi một chi nhánh được thành lập vào năm 1959, theo Báo Hàn Quốc Hankyoreh.

Ông nội của ông Abe là Nobusuke Kishi, người từng giữ chức thủ tướng từ năm 1957 - 1960, được biết đến là người đã mở đường cho sự gia nhập của nhà thờ vào Nhật Bản.

Nhà thờ cũng thành công ở Mỹ, nơi ông Moon được tạp chí Newsweek vinh danh là Nhân vật của năm vào năm 1976 và một sự kiện lớn ở Washington (Mỹ) đã thu hút hơn 300.000 người tham gia.

Tờ Washington Post cho biết nhà thờ đã chi hàng triệu USD mỗi năm cho các chương trình như hội nghị và các hoạt động vận động hành lang ở Mỹ, nhằm xây dựng hình ảnh công chúng tích cực và tạo dựng liên minh với các chính trị gia bảo thủ.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người theo khuynh hướng bảo thủ, được biết là có mối liên hệ với nhà thờ.

Theo tạp chí Nhật Bản Shincho 45, ông Abe trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2016 vì nhà thờ có "mối liên hệ cá nhân" với cả hai bên và giúp làm trung gian cho cuộc gặp.

Hai người đàn ông cũng đã nói chuyện tại một hội nghị ảo có tên Rally For Hope vào tháng 9 năm ngoái, do Nhà thờ Thống nhất đồng tổ chức.

Tại Nhật Bản, một mạng lưới 300 luật sư đã kiện nhà thờ vì những hoạt động gây tranh cãi và kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản, bao gồm cả ông Abe ngừng ủng hộ nó.

Trong một bản kiến ​​nghị được ký vào năm ngoái, các luật sư cáo buộc nhà thờ đàn áp nhân quyền của các tín đồ, làm tan vỡ gia đình và gây ra "tác động tiêu cực nghiêm trọng" đối với xã hội Nhật Bản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi về tổ chức tôn giáo là đối tượng thù hận của nghi phạm ám sát ông Abe