Dữ liệu mở trên trang Oryxspioenkop.com cho thấy sau hơn 4 tháng thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga mất ít nhất 830 xe tăng và 1.650 xe bọc thép các loại (bị phá hủy, hư hỏng, bị thu giữ, bị bỏ đi), cũng như hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng cùng nhiều thiết bị quân sự khác.

Kho vũ khí Nga tổn thất nặng vì cuộc chiến tại Ukraine

Cẩm Bình | 12/07/2022, 11:27

Dữ liệu mở trên trang Oryxspioenkop.com cho thấy sau hơn 4 tháng thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga mất ít nhất 830 xe tăng và 1.650 xe bọc thép các loại (bị phá hủy, hư hỏng, bị thu giữ, bị bỏ đi), cũng như hàng chục máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng cùng nhiều thiết bị quân sự khác.

Nguồn dữ liệu trên không tính số vũ khí hư hỏng nhưng chưa bị phá hủy mà quân Nga đưa về căn cứ. Số khí tài này cần được đại tu trước khi quay trở lại chiến trường.

Một vấn đề khác Nga phải đối mặt là thiếu hụt đạn pháo – kịch bản gần như không thể tránh khỏi vào cuối năm 2022. Cách đánh - phụ thuộc vào pháo kích hàng loạt - đặt ra câu hỏi về lượng đạn Nga còn trong kho hay lượng đạn cần bổ sung.

Tất cả khó khăn trên cần đến vài năm để giải quyết, ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế thuận lợi.

59d49fb915e9f90bcc421b02.jpg
Nga tiêu tốn lượng lớn khí tài cho cuộc chiến tại Ukraine - Ảnh: Russia Beyond

Theo bản đánh giá The Military Balance 2022 công bố bởi Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), trước lúc phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, quân đội Nga sở hữu khoảng 3.300 xe tăng chiến đấu – 1.900 đến 2.000 chiếc trong số này đã được hiện đại hóa hoặc sản xuất giai đoạn 2011 -2021, không ít hơn 16.000 xe bọc thép các loại – 1/4 số này được hiện đại hóa hoặc sản xuất trong giai đoạn 2011 -2021. Nga, trước năm 2011 chủ yếu dựa vào xe tăng cùng xe bọc thép sản xuất thời Liên Xô, không đầu tư nhiều vào tái vũ trang.

Trước ngày 24.2 – thời điểm phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga chỉ có khoảng 160 - 170 xe tăng T-72B3/B3M (bản nâng cấp của T-72) được đưa vào trang bị hàng năm giai đoạn 2011 – 2020, năm 2021 chỉ mua 34 chiếc T-72B3/B3M. Ở giai đoạn 2017 - 2021 có 45 - 50 xe tăng T-80BVM nâng cấp được bổ sung mỗi năm, sản lượng hàng năm của xe tăng T-90M chỉ khoảng 10 chiếc. Kế hoạch nâng cấp T-90A lên phiên bản T-90M bị trì hoãn. Với tình hình như vậy, Moscow sẽ cần ít nhất 4 năm bổ sung lượng xe tăng thiệt hại trong cuộc chiến hiện tại.

Động cơ xe tăng cũng là vấn đề lớn. Tuổi thọ hoạt động của động cơ diesel V-84 và V-92 dùng cho T-72 cùng động cơ tuabin khí GTD-1000/GTD-1250 dùng cho T-80 thường không quá 1.000 giờ – điều này có nghĩa hầu hết xe tăng Nga triển khai ở Ukraine hiện nay sẽ cần động cơ thay thế vào cuối năm 2022.

Trong hơn một thập kỷ qua, việc sản xuất động cơ xe tăng ở Nga phụ thuộc nhiều vào thiết bị công nghiệp nhập khẩu, trừng phạt phương Tây áp đặt có thể năng lực sản xuất của Moscow bị hạn chế. Những vấn đề tương tự cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất và sửa chữa xe bọc thép.

t72b3_1.jpg
Xe tăng T-72B3 - Ảnh: Defence Blog

The Military Balance 2022 còn chỉ ra, trước ngày 24.2 Nga đang sử dụng khoảng 900 - 1.000 máy bay chiến đấu và khoảng 400 trực thăng tấn công. Trong số này có 130 chiếc Su-30M2/SM, 97 Su-35, 124 Su-34, 130 Ka-52, hơn 100 Mi-28, hơn 60 Mi-35 – tất cả đều được sản xuất vào những năm 2010. Số liệu cho thấy năng lực sản xuất trung bình năm của Nga hiện vào khoảng 30 - 35 máy bay chiến đấu và 25 - 30 trực thăng chiến đấu.

Moscow lên kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2027 mua 150 máy bay mới các loại với 76 chiến đấu cơ Su-57 cùng ít nhất 20 chiếc Su-34. Nhưng hoạt động sản xuất động cơ cho Su-57 đến năm 2025 mới khởi động, hầu hết chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga đều dùng động cơ vốn thiết kế cho máy bay thế hệ trước. Họ cần quyết định giữ nguyên kế hoạch ban đầu hay đẩy nhanh kế hoạch để nhanh chóng thay thế lượng máy bay bị mất và hư hại do cuộc chiến tại Ukraine.

Nga cũng có thể tăng cường năng lực không chiến bằng cách sử dụng máy bay huấn luyện Yak-130 làm phương tiện tấn công mặt đất hạng nhẹ. Tổng số Yak-130 là hơn 100 chiếc, giới chức Nga đã nghiên cứu phương án đưa chúng vào chiến đấu từ năm 2019. Dù vậy sức mạnh trên không của Nga vẫn sẽ yếu hơn trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

a3efb24b0bde79eafb79334518723992.jpg
Chiến đấu cơ Su-57 - Ảnh: Getty Images

Phía Ukraine xác định quân Nga đang bắn tới 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, chủ yếu dùng loại 122 mm và 152 mm. Lượng đạn Nga còn trong kho và năng lực sản xuất của nước này là ẩn số. Tuy nhiên, nhật báo Nezavisimaya Gazeta từng tiết lộ Nga rơi vào tình trạng thâm hụt đạn pháo lần đầu tiên vào mùa hè năm 2002, kể từ đó họ cố gắng tái khởi động dây chuyền sản xuất. Từ năm 2014 Moscow bắt đầu sửa chữa đạn cũ, mỗi năm sửa được ít nhất 570.000 viên.

Nga dường như đang dùng nhiều đạn pháo hơn số lượng đạn pháo mà họ sửa chữa 7 năm qua. Lượng đạn pháo sản xuất phải nhiều hơn lượng đạn sửa chữa rất nhiều lần mới có thể bù đắp, nếu không lượng dự trữ của Moscow sẽ sớm cạn kiệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kho vũ khí Nga tổn thất nặng vì cuộc chiến tại Ukraine