Nhiều biện pháp đã được thực hiện, nhưng chính phủ các nước Đông Nam Á cần hành động nhiều hơn mới có thể kiềm chế được lạm phát được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào thời gian tới.

Các nước Đông Nam Á còn công cụ gì để kiềm chế lạm phát?

Cẩm Bình | 11/07/2022, 10:43

Nhiều biện pháp đã được thực hiện, nhưng chính phủ các nước Đông Nam Á cần hành động nhiều hơn mới có thể kiềm chế được lạm phát được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào thời gian tới.

Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho thấy chỉ tính riêng tháng 5 giá lương thực đã tăng 22,8% – chủ yếu do ngũ cốc lẫn thịt tăng giá. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá lương thực năm nay tăng khoảng 20% do áp lực chi phí năng lượng và phân bón tiếp tục tăng.

Trong khi đó, giá dầu Brent tăng lên gần mức 140 USD/thùng vào tháng 3. Mặc dù đã giảm dần nhưng giới thương nhân kỳ vọng giá vẫn neo ở mức cao vì nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) tiếp tục không đạt mục tiêu sản lượng tháng. Tổ chức nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự đoán dầu Brent năm nay sẽ đạt trung bình khoảng 105 USD/thùng – cao hơn gấp đôi mức cuối năm 2020.

Lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu cũng gia tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất lần nữa. Lạm phát tháng 5 của Mỹ đã lên đến 8,6%.

Các nước Đông Nam Á không tránh khỏi tác động của giá lương thực và năng lượng tăng cao, và có thể chịu thêm thiệt hại nếu suy thoái toàn cầu ập đến. Giới phân tích nhận định một số nền kinh tế khu vực phải chi nhiều hơn ngân sách hàng năm để giảm bớt ảnh hưởng lạm phát – dẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn. Vậy họ có thể chi thêm bao nhiêu?

casea.jpg
Đông Nam Á không tránh khỏi tác động của giá lương thực và năng lượng tăng - Ảnh: SCMP

Indonesia

Quốc hội Indonesia vào tháng 5 chấp thuận yêu cầu của chính phủ về việc tăng trợ cấp năng lượng lên khoảng 23,8 tỉ USD nhằm giúp kiềm chế giá năng lượng trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Động thái tăng trợ cấp diễn ra cùng lúc với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài 3 tuần để tăng nguồn cung dầu ăn nội địa mà chính phủ ban hành trước đó.

Nhưng lạm phát tháng 6 vẫn tăng 4,35% so với cùng kỳ năm ngoái – tốc độ tăng nhanh nhất trong 5 năm, vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2 - 4% ngân hàng trung ương Indonesia đề ra. Quan chức Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia Zamroni Salim cho biết chính phủ có thể tăng chi để đảm bảo đủ trợ cấp ngăn giá xăng dầu cùng một số thực phẩm thiết yếu tăng quá mạnh.

“Lạm phát tương đối cao (khoảng 10%) làm giảm hoặc xói mòn tăng trưởng kinh tế lẫn sức mua của người dân. Lạm phát dưới 10% thì vẫn kiểm soát được tác động”, theo ông Salim.

Vào tháng 3, chính phủ và ngân hàng trung ương Indonesia cùng đặt mục tiêu giữ mức lạm phát thực phẩm ở 3 - 5%, sử dụng công nghệ cùng số hóa nông nghiệp khiến cung cấp và phân phối diễn ra một cách trật tự.

Nhà kinh tế Trinh Nguyen thuộc ngân hàng đầu tư Pháp Natixis cảnh báo trợ cấp cao sẽ gây thâm hụt ngân sách lớn trong năm nay mặc dù nguồn thu tăng nhờ giá hàng hóa cao. Hơn nữa chi tiêu cho trợ cấp còn lấn át nhiều khoản đầu tư khác chẳng hạn như chi cho cơ sở hạ tầng.

Malaysia

Hiện tại lạm phát tuy cao nhưng vẫn còn trong mức mục tiêu. Giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,8% – nằm trong phạm vi 2,2 - 3,2% mà ngân hàng trung ương Malaysia dự kiến.

Malaysia từ ngày 1.6 áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thịt gà nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước gây ra bởi chi phí sản xuất tăng vọt. Phía người chăn nuôi đổ lỗi do nguồn cung nguyên liệu thô (đậu tương và ngô làm thức ăn cho gà) hạn chế.

Nguồn cung nay đã ổn định, chính phủ cũng trợ giá cho thịt gà giúp người chăn nuôi có mức trần lợi nhuận cao hơn. Nhưng lệnh cấm xuất khẩu còn hiệu lực tiếp tục đem lại rắc rối cho nước láng giềng Singapore phụ thuộc Malaysia về thịt.

Bất mãn của người dân trước tình hình giá cả tăng vọt cũng buộc chính phủ công bố khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung 630 triệu ringgit (142,2 triệu USD) cho gia đình thu nhập thấp, bên cạnh gói hỗ trợ 8,2 tỉ ringgit trước đó.

Gần đây Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob còn thành lập lực lượng chuyên trách đối phó lạm phát. Lực lượng này khuyến khích các nhà bán lẻ cùng trung tâm mua sắm tổ chức nhiều chiến dịch khuyến mãi, đồng thời chỉ đạo một số cơ quan chính phủ thiết lập cơ chế giảm giá bán lẻ dầu ăn.

casea1.jpg
Malaysia dùng lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trợ cấp, hỗ trợ tiền mặt để kiềm chế lạm phát - Ảnh: SCMP

Giới chuyên gia nhấn mạnh Malaysia cần thực hiện chính sách bền vững hơn để giúp nền kinh tế cùng người dân tránh khỏi cú sốc giá cả, vì hầu hết rủi ro lạm phát đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Nhà phân tích Hafidzi Razali thuộc tổ chức tư vấn rủi ro cho rằng chính phủ Malaysia cần cân nhấc đến thực tế họ có nguồn lực tài chính hạn chế do thu thuế không nhiều, nên phải điều chỉnh chính sách trợ cấp từ diện rộng sang tập trung vào nhóm đối tượng dân số dễ bị tổn thương nhất.

Nước này cũng nên lập kho dự trữ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu nội địa, nâng cao sản lượng trong nước, tăng năng lực lưu trữ thực phẩm. Tất cả sẽ đóng vai trò như hàng rào chống lại lạm phát ở tương lai.

Philippines

Giá dầu tăng sốc đẩy lạm phát tại Philippines lên mức cao nhất trong gần 4 năm: chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người đứng đầu Cơ quan Thống kê Philippines Dennis Mapa xác định chi phí giao thông, dịch vụ công, thực phẩm cao là nguyên nhân gây lạm phát. Tuy nhiên Tổng thống mới đắc cử Ferdinand Marcos Jnr ngày 5.7 đánh giá mức tăng tháng 6 chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, vì lạm phát còn xuất phát từ nhiều biến số bên ngoài.

Tân lãnh đạo cam kết kiềm chế lạm phát bằng cách tăng nhập khẩu thịt lợn, thịt gà, thịt bò đồng thời tăng sản lượng gạo và ngô trong nước. Ông tuyên bố: “Bạn không thể xây dựng một nền kinh tế mạnh trừ khi bạn có nền tảng là ngành nông nghiệp vững mạnh”.

Với lĩnh vực giao thông, Tổng thống Marcos Jnr dự định tiếp tục trợ giá xe jeepney cùng xe ba bánh, nhưng thu hẹp đối tượng được ngồi xe lửa miễn phí (chỉ dành cho sinh viên).

casea2.jpg
Người dân Philippines biểu tình yêu cầu Tổng thống Marcos Jnr tìm cách làm giảm giá gạo - Ảnh: SCMP

Chiến lược gia đầu tư Ron Acoba thuộc công ty chứng khoán cảnh báo kiểm soát lạm phát thất bại có thể khiến Philippines rơi vào suy thoái kinh tế.

Ông nhận định giá nhiên liệu phải chịu áp lực từ bên ngoài, chiếm tới 38% mức lạm phát hiện tại và sẽ lan sang giá thực phẩm. Chiến lược gia này đề xuất chính phủ tạm dừng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu hoặc cân nhắc tăng thuế với trò chơi điện tử, thuốc lá, rượu, đồ uống có đường và đồ ăn nhẹ không tốt cho sức khỏe, mặc dù làm vậy tổn hại lợi ích của nhóm ủng hộ Tổng thống Marcos Jnr lúc tranh cử.

Jeck Aliw đẩy xe bán trái cây cảm nhận rõ tác động do giá nhiên liệu tăng sốc đem lại. Ông phải bán đồng giá mọi loại để thu hút khách mặc dù bên cung cấp đã tăng giá vì chi phí vận chuyển cao, chủ nhà còn cảnh báo khả năng tăng tiền thuê nếu giá nhiên liệu và giá điện lại tăng.

Singapore

Như các quốc gia khác trong khu vực, lạm phát tại Singapore cũng cao hơn mức mục tiêu: lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên chính phủ đảo quốc tự tin đủ sức kiểm soát tình hình nhờ chính sách tiền tệ tập trung vào tỷ giá hối đoái của ngân hàng trung ương cho phép đồng SGD tăng tỷ giá song song điều kiện thương mại hiện tại nhằm giảm lạm phát nhập khẩu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết chính sách trên giúp Singapore giữ lạm phát thực phẩm sống trong quý 1.2022 ở mức hơn 3% trong khi giá thực phẩm toàn cầu tăng 20,3%. Giá điện, ga, xăng dầu từ tháng 1 đến tháng 5 tăng 13,6% – chỉ bằng chưa tới một nửa mức tăng đột biến 27,5% của giá năng lượng toàn cầu.

Người dân Singapore vẫn lo lắng. Đơn vị tư vấn tài chính số Endowus ghi nhận 45% trong số 680 người được hỏi cho biết nỗi lo tài chính hàng đầu của họ trong năm nay là lạm phát.

Tháng trước Phó thủ tướng Wong công bố gói hỗ trợ bổ sung 1,5 tỉ SGD (1,1 tỉ USD) giúp cho 1,5 triệu người Singapore có thu nhập thấp nhất. Tiền dành cho gói hỗ trợ đến từ nguồn thu cao hơn dự kiến trong năm tài khóa trước nhờ phục hồi kinh tế mạnh mẽ và loạt biện pháp chống dịch COVID-19 tốn kém ít hơn dự kiến.

Chính phủ đảo quốc dự định giữ nguyên kế hoạch tăng thuế hàng hóa dịch vụ (GST) từ 1% lên 8% vào năm 2023, rồi 9% vào năm 2024. Phó thủ tướng Wong tái khẳng định gói hỗ trợ 6,6 tỉ USD trước đó có thể giúp mọi hộ gia đình tránh tác động từ GST tăng.

Chuyên gia thuế Gan Hwee Leng thuộc công ty tài chính KPMG đánh giá tăng GST là phương án tăng thu ngân sách bền vững, khuyến khích tiết kiệm vì người dân chỉ trả thuế khi mua hàng hóa dịch vụ.

Tuy nhiên một số người lại cho rằng chính phủ nên tìm cách tăng thu khác, tăng thuế tiêu dùng chỉ nên là biện pháp cuối cùng vì nó có thể khiến lạm phát thêm tồi tệ.

Thái Lan

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng sau khi tăng cường đi vay trong thời kỳ đại dịch, chính phủ Thái Lan còn lại rất ít công cụ kiềm chế lạm phát, ngoài cách tăng lãi suất.

Ngân hàn trung ương có thể phải tăng lãi suất tối thiểu tại lần họp tháng 8 tới, sau khi lạm phát tháng 6 tăng 7,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng lại suất sẽ ảnh hưởng chi tiêu tiêu dùng nhưng cần thiết để ngăn đà lạm phát.

Nhưng như vậy chưa đủ. Phó giáo sư Montree Socatiyanurak thuộc Viện Quản lý quốc gia Thái Lan cho rằng chính phủ cần kiềm chế giá diesel

Giá diesel đã tăng vọt 20% lên 35 baht (97 cent Mỹ) một lít trong năm nay, làm tăng chi phí nguyên liệu thô, tạp hóa và vận tải buộc giới chức Thái phải trợ cấp năng lượng.

Nếu muốn kiềm chế giá diesel, chính phủ cần vay nhiều hơn. Tuy nhiên nợ công đã lên đến 62% GDP.

Theo chuyên gia Piyasak Manason thuộc công ty SCB Securities, có thể giới chức Thái phải phát hành trái phiếu mới và phá vỡ mức trần nợ để trang trải chi phí trợ cấp diesel, đồng thời tăng lương tối thiểu nhằm huy động sức lực của kinh tế tư nhân trong nỗ lực giảm chi phí.

Ngoài ra họ còn có “át chủ bài” là ngành du lịch. Phó giáo sư Socatiyanurak nhận định du lịch có thể là giải pháp cần thiết, không những vậy xuất khẩu cũng đang phục hồi, nhiều dự án hạ tầng đang tạo ra đầu tư.

Bài liên quan
Bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam nên học Uzbekistan
Bóng đá Uzbekistan không cầu thủ nhập tịch, không rầm rộ mua sắm ngoại binh, nhưng họ vẫn thành công và đang tiến rất gần đến chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước Đông Nam Á còn công cụ gì để kiềm chế lạm phát?